Tại đền ông Hoàng Mười, người dân thường mua ngựa giấy cùng với lễ vật để hóa vàng. Điều đáng nói, những con ngựa giấy với nhiều kích thước từ nửa mét đến 2 mét được làm từ cốt nứa có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy kích cỡ.


 
Ngày 30/1, thời tiết nắng ấm ủng hộ người dân địa phương và du khách thập phương đổ về đền Chợ Củi, hay còn gọi là đền ông Hoàng Mười, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) để du xuân và làm lễ cầu bình an trong năm mới.


 
Theo dân gian ông Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp. Chính vì thế, ai cũng muốn đến xin lộc ông vào mỗi dịp đầu năm. Đó cũng là lý do khiến những ngôi đền thờ ông Hoàng Mười luôn tấp nập du khách vào mỗi dịp đầu xuân để cầu xin lộc.


 
Với quan niệm càng đốt nhiều vàng mã, lễ vật thì người âm sẽ nhận được, sẽ phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn tấn tài tất lộc, gặp may mắn nên nhiều người sẵn sàng chi tiền mua vàng mã đủ loại từ vàng bạc, đô la đến nhà lầu, xe hơi, các vật dụng gia đình…


 
Đặc biệt, do đền Chợ Củi gắn với nơi đây là truyền thuyết về nhân vật Lê Khôi, vị tướng tài có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ 15. Vì vậy, trong các lễ vật còn có ngựa giấy và thuyền rồng giấy.


 
Theo người dân, Đức Quan Hoàng Mười là tướng trận giỏi, do vậy người dân hóa ngựa để ông cùng quân lính củng cố binh lực, đánh giặc ngoại xâm. Còn thuyền để di chuyển qua sông. Vì vậy, người đi lễ sắm thêm ngựa giấy và thuyền mang vào đền làm lễ cầu bình an, tài tộc đầu năm.


 
Ngựa giấy ở đây có nhiều kích thước từ 1-2m, cao hơn… người thật có giá từ 300.000-500.000 đồng/con, tùy kích thước.


 
Không ít gia đình tiêu tốn từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mua sắm đồ lễ hóa vàng. Nhiều dịch vụ như sắp lễ thuê, đồ lưu niệm, viết sớ… cũng nở rộ trước khu vực cổng đền.

 
Ông Nguyễn Long Thiên, Trưởng ban quản lý đền Chợ Củi, cho biết tính đến thời điểm này thì lượng khách đổ về đền ít hơn các năm. Vì vậy, số lượng ngựa giấy tiêu thụ cũng ít hơn. Mặc dù ban quản lý đã khuyến cáo người đi lễ không nên đốt ngựa giấy, vì nó ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên tín ngưỡng và nhu cầu của du khách nên việc cấm hẳn thì rất khó.

 
Vì vậy, để thuận tiện ban quản lý đã xây dựng lò hóa vàng mã được đặt ở phía tây của đền Chợ Củi. Làm lễ xong, người dân sẽ đưa ngựa giấy đến để đốt.