Chỉ là chủ cửa hàng buôn bán phụ tùng xe máy tại chợ Hòa Bình, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhưng Lê Thị Hạnh đã câu kết với một số đối tượng, lập đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi…
Như An ninh Thủ đô đã đưa tin, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội vừa phá thành công chuyên án 'đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán hóa đơn GTGT bán trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội'; khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng gồm Lê Thị Hạnh (SN 1985), trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Ngô Thị Xuân (SN 1960) trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Nguyễn Nam Khánh (SN 1991) trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội; Nguyễn Đình Vũ (SN 1991) trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.
Quá trình điều tra xác định Lê Thị Hạnh, giữ vai trò chính là cầu nối giữa Nguyễn Nam Khánh, Lê Đức Quý, Trần Quang Hiếu, Ngô Thị Xuân, Nguyễn Đình Vũ tạo thành đường dây sản xuất và tiêu thụ hóa đơn GTGT khống. Lê Thị Hạnh có vị trí như cấp dưới của Nguyễn Đình Vũ và Ngô Thị Xuân.
Lê Thị Hạnh đã sử dụng 28 công ty "ma" để buôn bán trái phép hóa đơn điện tử
Hạnh lấy hóa đơn giấy từ Xuân và hóa đơn điện tử từ Vũ để bán lại cho nhóm tìm kiếm khách hàng và hưởng hoa hồng. Đối với những hóa đơn giá trị gia tăng dưới 20 triệu đồng, Hạnh mua các quyển hóa đơn giá trị gia tăng từ Xuân.
Các quyển hóa đơn này đã được đóng dấu ký tên khống tại liên 2 giao cho khách, các thông tin còn lại được bỏ trống hoàn toàn để Hạnh có thể tự điền thông tin của công ty mua.
Đối với hóa đơn điện tử, Hạnh nhận thông tin khách hàng mua từ Khánh, tự viết hóa đơn hoặc cung cấp thông tin cho Xuân, Vũ để lên hóa đơn và gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng. Trong đường dây này còn có sự tham gia của chồng Hạnh là Lê Đức Quý. Quý đóng vai trò giúp sức cho Hạnh, thực hiện việc vận chuyển hóa đơn trực tiếp đến cho Nguyễn Nam Khánh, hoặc đến địa điểm khách hàng yêu cầu.
Dấu của các công ty "ma" Hạnh sử dụng
Quá trình điều tra chuyên án, các điều tra viên của nhiều đơn vị nghiệp vụ trong CATP xác định, Lê Thị Hạnh cùng ổ nhóm đối tượng nêu trên đã sử dụng 28 Công ty 'ma' để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trong đó có cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử. Ổ nhóm đối tượng trên đã thực hiện mua bán trái phép gần 50.000 tờ hóa đơn điện tử và nhiều loại hóa đơn giấy khác nhau. Tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn điện tử bước đầu xác định là trên 1.553,8 tỷ đồng, thuế VAT là trên 155,3 tỷ đồng...
Chỉ huy Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội cho hay, trong một thời gian dài, các đối tượng đã buôn bán trái phép một số lượng lớn hóa đơn điện tử, còn hóa đơn giấy thì không thống kê được vì đã 'tuồn' cho những người có nhu cầu.
Dù không nhìn thấy mặt hàng và quá trình giao dịch, nhưng nhóm Hạnh sẵn sàng 'thiết kế' hóa đơn điện tử với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng để bán cho những khách hành có nhu cầu. Khác với hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử được thiết lập trên máy tính và gửi qua thư điện tử cho người mua nên chỉ với một cái click chuột, hàng nghìn hóa đơn điện tử khống đã được gửi đến những người có nhu cầu, trục lợi hàng trăm tỉ tiền hoàn thuế VAT…
Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan để xử lý./.