Trong khi ông Đoàn Ngọc Hải mua nhà cho người vô gia cư, mua xe cứu thương chở người nghèo miễn phí sau khi "từ quan" thì một số vị đương nhiệm chỉ lo cho bản thân.
 
Trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có một chiếc xe cứu thương đặc biệt. Đó là xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí. Điều đặc biệt nữa nằm ở người lái chiếc xe đó: Ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM, người từng nổi đình nổi đám với công cuộc “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” và khiến việc này thành phong trào ở nhiều thành phố, cùng với những tranh cãi gay gắt.
 
Quyết liệt và cứng rắn, ông Đoàn Ngọc Hải từng nói nếu không “dọn dẹp vỉa vè” thành công thì sẽ từ quan. Cả hai vế đều đã thành sự thật. Vỉa hè giờ đâu lại vào đó, còn ông Hải về làm dân.
 
Có rất nhiều ồn ào, nghi ngờ, thậm chí bỉ bôi dành cho động cơ cũng như cách thức ông Hải dẹp vỉa hè thời còn là quan chức. Những người làm dân như tôi chẳng bao giờ có đủ thông tin về những chuyện hậu trường để xác minh sự đúng sai của sự đồn đoán hay thuyết âm mưu. Nhưng ở vị thế làm dân, chúng tôi có “giác quan riêng” để cảm nhận, nhất là khi nhìn một con người trong cả quá trình với những hoàn cảnh, tình huống, vai trò khác nhau. Những gì đã trải qua đủ để nhìn nhận về ông Đoàn Ngọc Hải.


 
Ông Đoàn Ngọc Hải mua xe cứu thương trở bệnh nhân nghèo (Ảnh: Vietnamnet).
 
Ông đã làm gì từ khi về làm dân thường: Bán tài sản để mua nhà cho người vô gia cư ở miễn phí; mua xe cứu thương rồi tự mình làm tài xế, chở bệnh nhân nghèo từ bệnh viện về quê dù xa xôi đến đâu, dọc đường còn lo ăn lo ngủ cho họ. Về đời sống cá nhân, hình ảnh thường thấy của ôngười ta luôn thấy ông áo đẫm mồ hôi, tham gia các giải chạy marathon vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để ủng hộ người nghèo.  
 
Chẳng còn đứng trên sân khấu nào để phải diễn, những việc vị nguyên Phó chủ tịch quận 1 làm đều là gieo mầm thiện, là cố gắng đem lại thêm những điều tốt đẹp cho đời. Đến nay, có lẽ thời gian đã đủ để nói rằng, dù làm quan hay làm dân ông cũng vẫn một tấm lòng ấy. "Bà con cứ ra gặp, tôi sẽ phục vụ ngay lập tức", lời này của ông Hải khi là tài xế lái xe cứu thương miễn phí cho người nghèo khiến tôi tin vào tinh thần phục vụ vô tư của ông khi đi “đòi” vỉa hè trước đây, dù cách làm của ông, cá nhân tôi thấy không hoàn toàn hợp lý.


 
Ông Đoàn Ngọc Hải quyết liệt trong việc dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Quận 1, TP.HCM.
 
Tôi trọng ông không chỉ ở tấm lòng, mà còn ở tinh thần quyết liệt dám đối mặt với những dèm pha, cản trở, bôi nhọ để làm đến cùng điều mình cho là tốt đẹp, dám làm một "người hùng cô đơn". Ngay cả hành động từ chức khi được giao một công việc mà ông cho là “trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết” để tránh gây hậu quả nghiêm trọng, tôi cho rằng vẫn cần một chữ “dám”, bởi thực tế rất ít người làm.
 
Có người nói “từ quan” như vậy là trốn tránh nhiệm vụ được giao phó, trái sở trường thì phải cố gắng để làm tốt. Lời này cũng có lý, nhưng còn một cái lý khác: Con người ta có quyền lựa chọn làm công việc mà mình có thể dồn tâm huyết. Không làm quan nữa, ông Hải vẫn phục vụ được dân nghèo, vẫn truyền cảm hứng bằng những câu chuyện sống đẹp, đó chẳng phải là cống hiến hay sao?
 
Trong khi người đã “từ quan” như ông Hải bán tài sản để giúp người nghèo, gieo hạt mầm vị tha trong đời sống, thì lại có một số vị còn đương chức vẫn chỉ chăm chăm lo làm giàu cho gia đình, cá nhân mình. Công cuộc "trừ sâu" của Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ loại bỏ những kẻ không xứng đáng này.
 
Có vị là đại biểu quốc hội mà vẫn âm thầm nhập quốc tịch nước ngoài, dù điều này trái với quy định của pháp luật, khiến một tiến sĩ phải đặt câu hỏi: “Một đại biểu Quốc hội nhưng lại có quốc tịch nước ngoài thì lấy gì để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc?”.
 
Nhìn những gì ông Đoàn Ngọc Hải làm ở cả vị trí quan và dân, liệu ai đó có thấy thẹn lòng?