a-1637377985.jpg
Anh Nguyễn Văn Trọng và con gái. Ảnh Doanh Nghiệp & Tiếp Thị

Tối 19/11 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Có mặt tại buổi lễ tưởng niệm có nhiều người mất đi người thân trong gia đình.

Trao đổi với PV Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, anh Nguyễn Văn Trọng (37 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 9 người mắc Covid-19, hiện tại 8 người đã ổn định sức khoẻ. Chỉ có vợ anh là chị Trần Thị Thu Hà (28 tuổi) thì không qua khỏi.

"Đến giờ này ngồi đây tôi vẫn chưa dám tin những gì xảy ra với gia đình mình thời gian vừa qua, mọi thứ đến với tôi quá nhanh và khiến tôi sụp đổ", anh Trọng chia sẻ.

Anh kể, ngày 27/7, vợ anh được xác định dương tính SARS-CoV-2 và sau đó cho kết quả xét nghiệm PCR khẳng định mắc Covid-19 và được đưa đi cách ly, điều trị. Lúc này, chị Hà đang mang bầu tháng thứ 5.

"Lúc nhận tin vợ mắc bệnh, tôi cảm thấy khủng khiếp lắm, mọi thứ như muốn sụp đổ, đó là cú sốc quá lớn đối với tôi và gia đình. Căn bệnh này không giống như những bệnh khác có thể chăm sóc, quan tâm động viên nhau mà vợ, chồng, con cái phải xa cách.

Lúc vợ bị bệnh tôi chỉ có thể an ủi, động viên vợ qua điện thoại...", anh Trọng ngầm ngùi kể.

b-1637378013.jpg
Anh Thành chia sẻ với phóng viên. Ảnh Doanh Nghiệp & Tiếp Thị.

Sau thời gian điều trị, đến ngày 12/9, do sức khoẻ yếu chị Hà đã qua đời khi đang mang bầu hơn 6 tháng khiến anh Trọng gặp cú sốc lớn. Đến nay, hơn 2 tháng kể từ ngày vợ mất chưa một đêm nào anh được yên giấc.

Còn con gái vợ chồng anh là cháu Nguyễn Ngọc B.A. (5 tuổi) mấy tháng qua, cứ đêm xuống lại khóc gọi mẹ.

"Để cháu có thể ngủ ngon giấc mấy tháng qua tôi vừa làm bố vừa phải gánh vác thêm trọng trách của người làm mẹ. Đau đớn lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào...", ôm chặt con gái vào lòng, anh Trọng gạt ngang nước mắt nói.

Cũng có mặt trong buổi lễ tưởng niệm, anh Võ Đăng Thành (49 tuổi), nhà tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, xúc động rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện đau thương đã trải qua. Gia đình anh Thành có 10 người thì 9 nhiễm Covid-19. "Các thành viên trong gia đình mỗi người điều trị một nơi. Tôi là F1 đi cách ly 8 ngày, sau đó phát hiện bị nhiễm", anh Thành chia sẻ với VnExpress.

Mẹ anh Thành vốn bị tiểu đường, nên dù sức khỏe còn tốt nhưng sau 48 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã không qua khỏi. "Mẹ tôi vào viện con cái không có ai ở bên cạnh. Dù được y bác sĩ bệnh viện tận tình chăm sóc, nhưng với bổn phận là người con, tôi rất đau lòng", anh Thành nói.

Đến nay mẹ đã mất được 36 ngày nhưng anh vẫn thấy chưa thể làm quen với cuộc sống không có mẹ.

Tối 19/11, lễ tưởng niệm hơn 23.000 người mất vì Covid-19 diễn ra tại hai điểm cầu ở TP HCM (Dinh Thống Nhất) và Hà Nội (Công viên Thống Nhất). Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng tổ chức để người dân cầu nguyện cho các nạn nhân Covid-19.

Tham dự buổi lễ tại TP HCM có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trấn Tuấn Anh; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; nguyên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và gia đình một số người đã mất vì Covid-19...

Đầu cầu Hà Nội có Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Thành ủy Đinh Tiên Dũng chủ trì lễ tưởng niệm.

c-1637378047.jpg

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.

Theo ông Chiến, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí 'chống dịch như chống giặc'. Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, hơn một triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, chiến sĩ.

"Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc 'nhắm mắt xuôi tay' không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời...", ông Chiến nói.

Theo lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.

"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát", ông Chiến nói.

Tiếp sau đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người tham dự buổi lễ tại Hội trường Thống Nhất lần lượt dâng hoa và thắp nhang tưởng niệm người mất trong Covid-19.

Tại TP HCM và Hà Nội, ngoài nghi lễ tại hai điểm cầu, hoa đăng được thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Hồ Bảy Mẫu (trong Công viên Thống Nhất) lúc 20h35. Cùng lúc, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đổ chuông sầu trong 5 phút; các tàu, thuyền, sà lan... kéo còi tưởng niệm. Người dân tắt đèn, thắp nến tại các nơi công cộng, phố đi bộ, nhà dân cầu nguyện cho các nạn nhân./.