Nằm cách Khu du lịch Sa Pa chừng gần 40km, thuộc địa phận xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) dãy núi Ngũ Chỉ Sơn như năm ngón tay xòe thẳng lên trời, bốn mùa mây trắng vờn quanh, thảm thực vật trong rừng nguyên sinh phong phú, thu hút du khách gần xa.
 
Ngũ Chỉ Sơn được đánh giá là dãy núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc, trở thành điểm đến trong mơ của nhiều du khách ưa du lịch mạo hiểm. 
 
Sự tích núi năm ngón tay 
 
Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) và xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa. Ngũ Chỉ Sơn có 5 ngọn núi chính, thẳng đứng ở độ cao gần 3.000m so với mực nước biển. 
 
Theo truyền thuyết, từ thủa khai sinh lập địa trên mảnh đất này bỗng dưng xuất hiện một vị thần khổng lồ có thân hình vạm vỡ, chân bước tới đâu khiến mặt đất lún tới đó. 
 
Thương người dân nơi đây nghèo, Thần ngày đêm san đất làm ruộng nương, miệt mài dồn tất cả đất đá đắp một dãy núi, ngày qua ngày ngọn núi vượt lên chín tầng mây sắp chạm tới mái nhà trời. 
 
Ngọc Hoàng thấy thế nổi giận, sai thần sấm, thần sét xuống đánh phá dãy núi của thần khổng lồ. Tuy nhiên, sau năm ngày dùng đủ mọi cách vẫn không san bằng được dãy núi, thần sấm, thần sét kiệt sức phải quay về chịu tội với Ngọc Hoàng. 
 
Dãy núi bị sấm sét đánh nham nhở chĩa thẳng lên cao giống năm ngón tay như thách thức với trời xanh và vẫn đứng vững vàng cho đến ngày nay. Người dân ở thung lũng Tả Giàng Phình đặt tên là Ngũ Chỉ Sơn, tức núi năm ngón tay. 
 
Du khách có thể chinh phục Ngũ Chỉ Sơn bằng hai con đường, xuất phát theo hướng Lai Châu hoặc Lào Cai. Để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn 2 ngày 1 đêm theo hướng Lào Cai, từ trấn Sa Pa du khách phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, cua tay áo để đến bản Suối Thầu 2, xã Tả Giàng Phình. 
 
Từ đây, du khách có thể nhìn thấy vẻ đẹp của Ngũ Chỉ Sơn vươn mình giữa thung lũng Tả Giàng Phình trọn một ngày. 
 
Buổi sáng, khi mặt trời đâm thủng lớp mây mù, Ngũ Chỉ Sơn mờ xanh hiện lên ngạo nghễ tận đỉnh trời. Chiều tà, mặt trời đang sắc vàng chuyển sang ửng đỏ từ từ xuống núi, Ngũ Chỉ Sơn ẩn hiện trong mây. 
 
Để chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, du khách phải chuẩn bị đầy đủ đồ đạc để leo núi như quần áo giữ nhiệt, túi ngủ, tấm dán nhiệt, khăn mũ, thuốc, đồ ăn, đèn pin, găng tay, dây thừng và kẹo gừng. 
 
Quá trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn không đơn giản vì nơi đây có rất nhiều vách núi dựng đứng, một bên hun hút rừng già đậm đặc sương mù, từ bốn phía gió quật liên hồi vào mặt. 
 
Porter (người dẫn đường) Thào A Giang, ngườiđã từng thử khai phá cung đường leo Ngũ Chỉ Sơn chia sẻ nhiều đoàn chinh phục Ngũ Chỉ Sơn đã phải bỏ cuộc trở về vì địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
 
Hiện Ngũ Chỉ Sơn có năm ngọn, trong đó người dân địa phương mới khám phá được hai ngọn cao nhất là 2.858m và 2.853m. 
 
Vượt qua thử thách để chiến thắng bản thân 
 
Chuyến chinh phục đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn bắt đầu từ bản Suối Thầu 2-huyện Sa Pa.
 
Đầu tiên du khách sẽ men theo dòng suối dưới chân Ngũ Chỉ Sơn mát lành đan xen những loài hoa dại. 
 
Ngay từ trong hành trình khám phá, đoạn đầu tiên đã xuất hiện những tảng đá khổng lồ chắn ngang như rào chắn thách thức người chinh phục. 
 
Càng vào sâu, những tảng đá biến mất thay vào đó là dốc cao liên tiếp xuất hiện như vắt kiệt sức lực. 
 
Theo những người có kinh nghiệm, chinh phục đỉnh núi này phải rất tập trung, khéo léo và nỗ lực bởi nhiều quãng đường leo còn không có điểm tựa nào ngoài vài đoạn rễ cây để bám. Đây chắc chắn không phải cuộc chơi cho những người yếu đuối về thể lực lẫn ý chí. 
 
Sau 6 tiếng leo dốc, xuyên rừng, du khách đã tới điểm nghỉ ở độ cao gần 2.600m. Cuối buổi chiều, tại điểm nghỉ nắng xiên rực rỡ bao phủ các ngọn núi kỳ vĩ của Tây Bắc. 
 
Những tia nắng đâm xuống từng tán cây làm cho cả khu rừng thêm huyền ảo, rồi nhanh như chớp xa xa hoàng hôn đỏ rực cả một góc trời bình yên. Về đêm, giữa đại ngàn mênh mông thi thoảng lại văng vẳng tiếng kêu của một số loài động vật, cả khu rừng trở lên đầy ma mị. 

 
Ngọn lửa bập bùng sẽ nhanh chóng xua tan cái giá lạnh nơi rừngthiêng nước độc cùng những câu chuyện thú vị về văn hóa, con người Tả Giàng Phình được các porter chia sẻ sẽ làm du khách thấy thích thú và thêm yêu mảnh đất vùng cao này. 
 
Sau một đêm nghỉ ở độ cao gần 2.600m, du khách sẽ bước vào chinh phục đoạn đường được đánh giá là gian nan nhất trong hành trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, đòi hỏi người khám phá phải có kỹ năng leo núi. 
 
Du khách phải vượt qua ba chiếc thang được làm đơn sơ với một bên là vực sâu thăm thẳm. Vượt qua những cụm trúc khoe mình giữa sương mai, ánh bình minh bắt đầu hé lên gam màu vàng cam giữa bầu trời trong xanh. 
 
Tiếp tục hành trình thêm chừng nửa giờ, du khách sẽ đặt chân lên đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn (cao 2.858m). 
 
Đứng trên đỉnh cao này chỉ cần vài phút bạn có thể cảm nhận được thời tiết nơi đây thay đổi nhanh chóng đến nhường nào. Khi thì mây mù phủ trắng không gian bốn phía, rồi bỗng mây tan đi để lộ khoảng trống trắng toát dưới chân, thấp thoáng ở độ cao dưới 2.000m là một biển mây trắng xốp bồng bềnh êm ả, khác hẳn với khung cảnh gió núi thét gào mây mù cuộn đặc. 
 
Bốn ngọn còn lại hiện ra ngạo nghễ giữa trời xanh, biển mây bồng bềnh phía dưới. Tại đây, mọi người có thể ghi lại những khung hình tuyệt đẹp của biển mây, sự hùng vĩ của núi rừng và thiên nhiên tươi đẹp. 
 
Những ai đã một lần đặt chân lên đỉnh cao nhất đều cảm thấy được hòa mình với thiên nhiên, lạc vào một thế giới khác giữa chốn bồng lai tiên cảnh. 
 
Những mệt nhọc dường như tan biến, chỉ còn lại sự hưng phấn vì đã chiến thắng được bản thân mình khi vượt qua thử thách, thỏa ước nguyện chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn.