Nhiều đàn ông xã Cương Gián (Hà Tĩnh) ôm khát vọng đổi đời nên chấp nhận bỏ vợ, để họ cưới người khác tiện cho việc đi xuất khẩu lao động. 
 
Một ngôi làng ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có đến cả trăm đàn ông chấp nhận ly hôn, để vợ đi cưới người khác với mong muốn thoát nghèo. Nhờ vậy, họ được sống trong những ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng để lại hệ lụy khi đàn ông nơi đây phải sống cảnh “gà trống nuôi con".


 
Những ngôi nhà khang trang nhưng thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ
 
Ông Đ.V.C. (sinh năm 1974, trú tại thôn Bắc Sơn) chia sẻ với phóng viên VOV, kể từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, ông đã vừa làm bố vừa làm mẹ suốt gần hai chục năm nay. Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên ông C. đành chấp nhận ký vào đơn ly hôn, thuận lợi cho việc vợ đăng ký kết hôn giả với người đàn ông ngoại quốc để sang Đài Loan xuất khẩu lao động.


 
Cách đây 19 năm, anh C. cũng từng kí đơn ly hôn để vợ đi lao động xuất khẩu.
 
Thời điểm bấy giờ, ở địa phương nơi ông C. sinh sống rộ lên phong trào đi xuất khẩu lao động theo hình thức kết hôn giả. Đây được cho là cách lách luật vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, lại tránh được các thủ tục rườm rà vì họ có người bảo lãnh. Từ ngày vợ đi tha hương cầu thực, hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về cho 4 bố con ở quê nhà. Sau 2 năm vợ đi làm ăn xa, ông C. đã xây nhà mới 3 tầng khang trang, bên trong đầy đủ tiện nghi.
 
 
Phần lớn đàn ông xã Cương Gián sống cảnh “gà trống nuôi con".
 
Tương tự, anh N.V.H (sinh năm 1979, trú tại thôn Song Hồng) cũng có vợ đi xuất khẩu lao động. Mẹ anh H. cho biết: “Con dâu vừa sinh đứa thứ hai được 4 tháng đã sang Hàn Quốc làm việc. Hai vợ chồng con trai tôi giả ly hôn để con dâu hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu lao động nhanh hơn. Một năm sau, vợ điện về bảo chồng không về Việt Nam nữa."
 
Suốt 12 năm qua, anh H. lủi thủi sống cảnh “gà trống nuôi con", không gá nghĩa với ai vì mang mặc cảm bị vợ bỏ.


 
Con dâu đi lao động xuất khẩu rồi ở biệt xứ, để hai đứa con nhỏ cho bà Th. nuôi dưỡng.
 
Liên quan đến vấn nạn chồng chấp nhận ly hôn vợ để được đổi đời, bà D.T.H. (người dân thôn Đại Đồng) cho biết, nhiều phụ nữ đổi đời sau khi đi xuất khẩu lao động không còn có ý định về quê, thậm chí còn cắt đứt liên lạc với chồng con ở nhà.
 
Cũng có trường hợp đã trở về quê hương nhưng lại liên tục nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân khiến bà H. thường xuyên phải can thiệp, hòa giải. Nguyên nhân chính được cho là do người vợ sau nhiều năm lao động bên nước ngoài đã quen với cuộc sống hiện đại. Chính vì thế, họ chê chồng quê mùa, không muốn ngủ chung.


 
Bà H. thường xuyên phải đi hòa giải cho các cặp vợ chồng.
 
Ông H.V.T – Phó chủ tịch xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhận định, vấn nạn chồng chấp nhận ký đơn bỏ vợ để người phụ nữ trong gia đình đi xuất khẩu lao động đã tồn tại cách đây hàng chục năm, để lại hệ lụy khôn lường. Tính đến năm 2018, toàn xã có khoảng 100 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó có khoảng 20 phụ nữ kí đơn để sang nước ngoài sinh sống, kiếm tiền.
 
Những tưởng việc ly hôn giả sẽ cải thiện cuộc sống nghèo khó, nhưng nào ngờ khiến nhiều gia đình hôn nhân tan vỡ!.