Theo dự thảo thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89 do Bộ Tài chính mới công bố, mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ là 25.000 USD/năm. Mức chi sinh hoạt phí từ 390 USD - 1.300 USD/tháng.

Các khoản hỗ trợ bao gồm: học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay, bảo hiểm y tế bắt buộc (với ứng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài); học phí, hỗ trợ tham dự hội nghị, hội thảo, hỗ trợ công bố quốc tế... (với giảng viên làm nghiên cứu sinh toàn thời gian trong nước)...

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cấp cho người học trong thời hạn theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng GD-ĐT, tối đa không quá 4 năm (48 tháng) đối với người học tiến sĩ và không quá 2 năm (24 tháng) đối với người học thạc sĩ. Trong thời gian tạm dừng học tập, nghiên cứu, người học không được nhận kinh phí hỗ trợ.

Từ thực tế nhiều chương trình đưa người đi đào tạo ở nước ngoài rồi không ít người ở lại, không trở về, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho rằng quan điểm cứ đào tạo, dù người Việt ở lại làm việc cho nước ngoài thì vẫn là đóng góp cho đất nước, là chưa đúng. Việt Nam còn nghèo, trong khi đó, trước khi ra nước ngoài người học thường phải làm cam kết sẽ phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước nếu không trở về nhưng thực tế lại không được như vậy. Rất nhiều trường hợp không trở về cũng không hoàn thành được yêu cầu bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước. Kết quả là ngân sách nhà nước tốn kém, lại bị chảy máu chất xám.

Bởi vậy, theo GS Quý, tốt nhất là Nhà nước nên hỗ trợ đào tạo trình độ cao ngay trong nước, mời các chuyên gia nước ngoài giỏi dạy một lúc nhiều người.

Trước đây, khi còn là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, GS.TSKH Trần Duy Quý cũng đã mời các chuyên gia Úc, Anh sang giảng tại Việt Nam. Chỉ cần lo vé máy bay và tiền lương cho chuyên gia nước ngoài, chi phí rẻ hơn nhiều, lại đào tạo được nhiều người. Mỗi năm chuyên gia sang 2 đợt, mỗi đợt khoảng 2-3 tháng, cần thiết thì  mới cử người ra nước ngoài thực tập ngắn hạn.

tai-xuong-1637983513.jpg
Có nhiều cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Ảnh minh họa

"Cách đào tạo này rất hiệu quả. Viện Di truyền Nông nghiệp mời nhiều chuyên gia nước ngoài sang giảng, từ tiếng Anh đến chuyên môn.

Đầu tiên, chúng tôi mời một giáo sư là chuyên gia tình nguyện tại Volunteer. Vị chuyên gia nói rằng ông không cần nhiều lương, chỉ xin bằng viện trưởng, mà khi ấy, lương của tôi chỉ có 60 USD. Khi vị giáo sư sang Việt Nam, tôi cho ông xem bảng lương và ông... đành chịu. Sau này, thấy ông kham khổ quá, Viện tăng lương cho ông lên 600 USD, gấp 10 lần lương viện trưởng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thu nhập của ông trước đây, vị chuyên gia vẫn chấp nhận.

Ông mua một chiếc xe đạp, ngày ngày đạp đến Viện giảng dạy cho 70-80 cán bộ. Khi thi TOEFL học bổng của nước ngoài, nhiều cán bộ đã đỗ.

Vị giáo sư ấy quan hệ rộng, lại giúp Viện Di truyền nông nghiệp gửi thư làm quen đến các phòng thí nghiệm, giới thiệu nhiều nhà khoa học nổi tiếng của thế giới. Cách làm ấy tương tự như cách mà vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã làm", GS.TSKH Trần Duy Quý kể lại.

Ông cho biết thêm, vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc là hình ảnh đẹp của những Việt kiều yêu nước, hết lòng vì sự phát triển khoa học của nước nhà. Từ Pháp trở về Việt Nam, GS Trần Thanh Vân sáng lập ra Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam (GGVN) tổ chức rất nhiều chuỗi hội nghị khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến Việt Nam tham dự và giảng dạy. Sau đó, Hội thành lập Trung tâm quốc tế khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định). ICISE đã tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao, trường hè khoa học chuyên đề, thu hút sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học quốc tế, trong đó có các nhà khoa học đoạt giải Nobel, nhà khoa học đoạt giải Fields... đến giảng dạy.

"Có rất nhiều cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Thay vì đổ hàng nghìn tỷ đưa người ra nước ngoài đào tạo để rồi sau khi thành tài, không ít người trong số đó không trở về, Việt Nam vừa mất tiền, vừa chảy máu chất xám, thì nên đầu tư, mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam đào tạo", GS Quý một lần nữa nhấn mạnh.

Ông cho biết, trước Đề án 89, Việt Nam cũng đã có những đề án nghìn tỷ tương tự nhằm đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học song không thể hoàn thành được mục tiêu. Trong đó, phải kể đến Đề án 322 Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Đề án này được Chính phủ phê duyệt năm 2000, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2000-2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm. Mục tiêu của đề án là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, có 4.500 người được gửi đi học đại học và sau đại học tại 832 cơ sở đào tạo của 34 nước. Trong số đó có 49,41% được đào tạo tiến sĩ; 25,75% đào tạo thạc sĩ; 24,84% đào tạo thực tập sinh và đại học.Tổng kinh phí được cấp cho đề án này là trên 2.500 tỷ đồng, tính theo tỷ giá từng giai đoạn được cấp, tương đương với 152 triệu USD, trung bình chi khoảng 33.000/USD/du học sinh. Đề án cũng đưa ra quy định, người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo, nếu không trở về nước phục vụ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí.

Thế nhưng mục tiêu cũng như kỳ vọng đặt ra cho Đề án 322 lại không đạt kết quả như mong muốn. Nhiều người được cử đi đào tạo không về nước hoặc nếu có về nước lại không làm việc tại đơn vị gửi mình đi học. Theo con số báo cáo của Cục Đào tạo với nước ngoài của Bộ GD-ĐT, có 2.268 du học sinh được đưa đi đào tạo tiến sĩ, về nước chỉ có 1.074 tiến sĩ.

Riêng Viện Di truyền Nông nghiệp của GS Quý có 3 người đi học theo Đề án 322 thì 2 người trở về, còn 1 người không về.

Từ bài học của Đề án 322, GS.TSKH Trần Duy Quý một lần nữa đề nghị Việt Nam nên mời các chuyên gia giỏi, đặc biệt có rất nhiều nhà khoa học Việt kiều tài năng, Việt Nam nên mời họ về làm việc, đồng thời qua đó kết nối với các chuyên gia giỏi của nước ngoài.

Về hình thức đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết có rất nhiều cách: mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam, hoặc giảng dạy trực tuyến. Cần thiết, Bộ GD-ĐT làm đề án dạy trực tuyến cho trình độ cao bằng ngoại ngữ như tiếng Anh, yêu cầu đối với người học là phải nói tốt, nghe tốt.

Cùng với đó, theo vị chuyên gia, cần hỗ trợ kinh phí cho sinh viên giỏi, nghiên cứu sinh làm đề tài trong nước theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Việt Nam có thể nhờ chuyên gia nước ngoài phối hợp với sinh viên, nghiên cứu sinh để giải quyết những vấn đề thực tiễn sản xuất Việt Nam đang vướng mắc. Ví dụ, trong nông nghiệp là vấn đề chế biến sâu lương thực, thực phẩm...

"Tính sơ sơ, Nhà nước hỗ trợ mỗi nghiên cứu sinh học nước ngoài hơn 3,5 tỷ đồng mỗi năm học, 4 năm là 14 tỷ đồng. Số tiền này có thể dùng để mời một chuyên gia giỏi, đào tạo hàng chục tiến sĩ trong nước trình độ cao, cần thiết thì cho ra nước ngoài thực tập ngắn hạn 1, 2 tháng để giải quyết những khúc mắc mà thí nghiệm trong nước không đủ máy móc", GS.TSKH Trần Duy Quý đề xuất./.