Tân Hoa Xã dẫn bài nghiên cứu của hai giáo sư Mỹ đăng trên trang Daily News cho biết, khi virus nhảy từ vật chủ này sang vật chủ khác, chúng phải biến đổi để có thể thích nghi với môi trường mới. Như vậy, virus sẽ có khả năng nhân bản "điêu luyện" hơn sau khi ở trong môi trường vật chủ khác.
“Đôi khi, những đột biến kết hợp xảy ra đúng lúc làm khởi phát đại dịch”, theo bài viết.
Những tổ tiên virus Corona đầu tiên đã xuất hiện ở dơi từ hàng trăm năm trước. Qua thời gian, chúng phát triển khả năng lây nhiễm sang các động vật có vú khác và liên tục biến chủng.
Nghiên cứu trên do giáo sư Norbert Herzog và giáo sư David Niesel của Đại học Y Texas Medical Branch thực hiện. Hai nhà khoa học đã lấy 130.000 mẫu bệnh từ người và so sánh với 69 mẫu bệnh từ loài dơi để phân tích cách virus đã biến đổi.
Qua phân tích di truyền, họ nhận thấy có những đột biến nhỏ giúp virus lây lan sang con người.
Ban đầu con người chưa có miễn dịch sớm nên chưa gây sức ép buộc virus biến đổi. Từ cuối năm 2020, khi hệ miễn dịch của con người bắt đầu phản ứng, việc sử dụng vaccine, thuốc kháng virus cùng nhiều biện pháp trị liệu và tác động từ môi trường, SARS-CoV-2 bắt đầu thay đổi, các biến thể đầu tiên xuất hiện.
Virus này thích nghi với môi trường đã có miễn dịch nhiều hơn, các biến thể có thể thoát khỏi hệ miễn dịch tiếp tục sống sót và lây lan nhanh. Một số biến thể có thể tiến hóa đến mức gây bệnh nghiêm trọng.
Nhờ các loại vaccine, con người có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm, hạn chế cơ hội cho virus thích nghi nhưng vaccine cũng có thể gây ra những sức ép có chọn lọc lên virus khiến chúng biến đổi và nhiễm vào những người đã tiêm vaccine.
Do đó, theo hai nhà khoa học, cần phải luôn theo dõi trình tự gene để xác định các biến thể mới, thiết kế các vaccine bổ sung nhằm bảo vệ con người trước những mối đe dọa nguy hiểm hơn.