Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn “đứng im”
Khảo sát tại các chợ truyền thống Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) trong tháng 9 cho thấy, giá thực phẩm chỉ giảm nhẹ, nhiều loại không giảm, thậm chí còn tăng giá.
Cụ thể, thịt lợn mông có mức giá khoảng 100-120 nghìn đồng/kg, không giảm; ba chỉ giá 140-145 nghìn đồng/kg, giảm 5 nghìn đồng/kg; thịt sườn 160-170 nghìn đồng/kg, giảm 5-10 nghìn đồng; thịt bò 200-320 nghìn đồng/kg tùy loại, không giảm; thịt gà 130-140 nghìn đồng/kg nguyên lông, không giảm…
Với rau củ, mức giảm giá chậm hơn, nhiều loại rau vẫn neo ở mức cao. Giá hành lá 50 nghìn đồng/kg, giảm 10 nghìn đồng/kg nhưng vẫn ở mức tăng gần gấp đôi so với khoảng 2-3 tháng trước; cà chua từ 20-22 nghìn đồng/kg, giảm từ 3-5 nghìn đồng/kg so với tháng trước…; bắp cải từ 18-20 nghìn đồng/kg, giảm 3 nghìn đồng/kg…
Ông Nguyễn Văn Ánh, chủ đầu mối rau xanh tại chợ đầu mối Long Biên cho hay, giá rau đã giảm nhưng chưa nhiều, bởi hiện giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vẫn cao. Giá xăng, cước vận tải đang giảm ít có tác động tới giá bán, hoặc có nhưng chỉ ở mức rất nhỏ. Bởi giá cả phụ thuộc nhiều vào nguồn cung và nhu cầu thị trường. Ví dụ còn nhiều chi phí sản xuất, nuôi trồng của nhà vườn đều tăng nên giá cả đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá hàng hóa khó giảm ngay khi giá xăng giảm; đặc biệt khi giá hàng hóa đã được thiết lập mặt bằng giá mới từ trước tháng 6 năm nay. Giá dịch vụ như: Giá cắt tóc, ăn uống (bún, phở, cà phê…) phần lớn chưa có dấu hiệu giảm cho dù giá xăng đã giảm gần 30%. Điển hình như thương hiệu đồ uống Highlands Coffee đã tăng giá bán các sản phẩm đến 18% từ đầu tháng 7 và vẫn giữ mức giá này suốt thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong 8 tháng qua là dấu hiệu tốt cho thị trường những tháng cuối năm. Thế nhưng, tính “bảo thủ” trong giá cả rất khó thay đổi. Các cơ quan, ban, ngành cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường, kiểm soát chặt hơn các trường hợp tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là những tháng cuối năm tới đây càng cần phải làm mạnh hơn.
Thay đổi thói quen sinh hoạt để vượt “bão giá”
Trước tình hình này, người dân đang thực hiện nhiều giải pháp để tiêu dùng thông minh, hợp lý trong thời kỳ “bão giá”. Vợ chồng chị Phương, 32 tuổi (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đều là nhân viên văn phòng. Trước đây, vợ chồng chị thường xuyên ăn sáng, ăn trưa ở ngoài quán. Nhưng vài tháng nay hai vợ chồng đã dậy sớm nấu nướng, ăn sáng tại nhà và chuẩn bị luôn phần cơm buổi trưa mang đến công ty. Những thói quen, sở thích mua sắm cá nhân trước đây đều được gia đình chị tiết giảm tối đa.
“Hiện nay các mặt hàng đều tăng giá, bát bún, suất cơm ở quán quen thường ăn cũng tăng thêm 5-10 nghìn đồng. Chưa kể nhiều chi phí sinh hoạt leo thang cần phải lo toan, nên gia đình tôi quyết định thay đổi thói quen, hạn chế ăn hàng, cố gắng dậy sớm hơn để nấu ăn ở nhà, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy”- chị Phương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Hiền (28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tháng nào cũng phải đối mặt với tiền trọ hàng tháng, điện nước, giá đồ ăn tăng… còn mức lương của chị vẫn giữ nguyên hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau khi thanh toán tiền nhà và trừ các khoản chi phí sinh hoạt, ăn uống đó, chị chẳng dư ra bao nhiêu, có tháng còn tiêu vượt số tiền lương tháng chị kiếm được. Để tiết kiệm thời bão giá, chị Hiền thường dậy sớm đi chợ truyền thống mua thức ăn để có giá rẻ hơn, hoặc thường mua sắm trên các trang thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí, săn hàng giá rẻ.
Chị Hiền chia sẻ: Mình thường mua đồ trên mạng vì có nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn, có những mặt hàng áp dụng mã giảm giá và mua được rẻ hơn 1/2 so với giá trên thị trường. Ngoài ra, mình còn rủ thêm các bạn cùng lớp, cùng xóm trọ mua chung, vì mua nhiều không chỉ được miễn phí vận chuyển, đơn hàng càng giá trị ưu đãi càng lớn. Từ đó, giá thành chia ra rất tiết kiệm./.