Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đã cho biết như vậy khi thảo luận tại hội trường chiều nay (2/6) về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Theo ông Gia, chủ trương phát triển nhà ở xã hội là rất đúng đắn và nhân văn nhằm giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không còn thuê thì mới được bán nhà ở này.

tran-dinh-gia-1654174581390-1654225048.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia nêu ví dụ về sự lãng phí trong phát triển nhà ở xã hội (Quốc Chính).

"Thực tế tại đô thị loại 2 và loại 3 thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp, bởi vì phải dành khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng để thuê, người lao động không thể dành được khoản tiền như vậy cho nên họ chỉ có nhu cầu mua, vay Ngân hàng chính sách xã hội để mua", ông Gia nói.

Ông chỉ ra thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê. Trong lúc đó, có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. "Đây là một sự lãng phí rất lớn", đại biểu nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng chỉ ra vấn đề bất cập khi mấy năm gần đây giá đất lên cao. Nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở rồi đất công nghiệp và tổ chức đấu giá.

"Người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở. Người có nhu cầu ở thì không thể có tiền để đấu giá. Điều đó dẫn đến rất nhiều diện tích đất chúng ta chuyển thành đất ở nhưng khi đấu giá không đưa vào làm đất ở, dẫn đến từ đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đấy là một thực tế mà tôi nghĩ rằng sắp tới Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần phải xem xét nội dung này để khắc phục tình trạng trên", đại biểu kiến nghị.

Lãng phí nguy hại như căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn tham ô, tham nhũng

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cũng chỉ ra sự lãng phí đất đai rất lớn với tình trạng nhiều dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu... Đặc biệt là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay, theo đại biểu, ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Chúng ta đã rất quyết liệt, nghiêm trị tội tham ô, tội tham nhũng nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí, trong khi lãng phí nguy hại hơn, như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng, nếu thống kê đầy đủ rất khó có thể đo đếm hết được", bà Thúy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản; xác định giá trị chuyển quyền sử dụng đất, về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất đai; tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai.

Ngoài ra đại biểu băn khoăn về tình trạng không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại biểu Tạo cho rằng cần làm rõ khái niệm sát giá thị trường và giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Do đó, trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Đồng thời là có các chính sách để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương./.