Đúng 0h sáng ngày 3/7, TP.Vinh chính thức dừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chuyển sang thực hiện theo "Chỉ thị số 15+" (áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng có áp dụng thêm các biện pháp khác).
Trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An sẽ bước sang một giai đoạn mới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, hoàn thành mục tiêu kép như Chính phủ đề ra.
Trước thời khắc lịch sử này, một Trung tá công an xúc động thốt lên: "Chỉ đúng vỏn vẹn 2 tuần thôi, nhưng quãng thời gian ngắn ngủi này sẽ in sâu vào trái tim mỗi chúng tôi. Dịch bệnh có thể chia cắt về địa lý, đe dọa sức khỏe và thậm chí là tính mạng của con người, nhưng không thể chia cắt tấm lòng mà nhân dân dành cho lực lượng tuyến đầu".
Thành phố Vinh thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 19/6 – thời gian đỉnh điểm của đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục. Hầu như nắng nóng kéo dài suốt từ 6h sáng đến hơn 6h tối, như hắt lửa vào người.
Chứng kiến lực lượng tuyến đầu chống dịch căng mình dưới sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân thành Vinh không khỏi xót xa.
Không thể ngồi yên, đứng nhìn, họ gọi nhau, chung tay “tiếp sức” cho “tiền tuyến”. Vì vậy, chỉ buổi sáng đầu tiên thiếu thốn vì thời gian gấp rút, ngay trong trưa ngày 19/6, những chiếc xe bus, container gắn điều hòa được chở đến các chốt. Tiếp đến là các vật dụng thiết yếu như tấm chắn giọt bắn, khẩu trang, quạt, thậm chí là tủ lạnh; rồi cả cơm, cháo, hoa quả, nước, cà phê, nước tăng lực… cũng được tiếp tế thường xuyên, liên tục.
Ở mặt trận khác, các y bác sĩ, các kỹ thuật viên xét nghiệm; những người dân đang bị cách ly, hay trong khu phong tỏa cũng luôn nhận được sự hỗ trợ của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Anh Phan Hùng Sơn (SN 1971, ở phường Cửa Nam, TP.Vinh) làm nghề đạp xích lô kiêm cửu vạn chính hiệu ở chợ Vinh. Dịch đến, chợ phải đóng cửa, "cần câu cơm" của cả nhà là chiếc xe xích lô cũng phải treo lên. Gác lại những lo toan của gia đình, ngày 3 bữa, anh cùng những người bạn âm thầm nấu ăn rồi đưa cơm nước đến các khu cách ly, chốt trực... cho cán bộ làm nhiệm vụ, và cho cả bệnh nhân ở các bệnh viện trên địa bàn TP.Vinh.
Thấy nguồn thực phẩm, nhất là rau, quả... có dấu hiệu ít đi vì một số chợ, trong đó có chợ đầu mối phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19, anh và các bạn lại kêu gọi khắp các nơi trên toàn tỉnh gửi rau, củ quả về Vinh để chia sẻ sự khó khăn, thiếu thốn với những cảnh đời khó khăn trong tâm dịch.
Không chỉ ở thành phố Vinh mà ở các huyện, thị khác, tinh thần “tất cả vì tuyến đầu chống dịch” cũng cao ngút trời. Không có container, đoàn viên thanh niên và hội phụ nữ huyện Thanh Chương vào rừng chặt lá cọ, lợp mái chống nóng, giảm nhiệt cho các chốt phòng dịch.
Nghe loa phát thanh thông báo việc ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cụ bà Trần Thị Nhung (100 tuổi, ở Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu) chống gậy, cầm theo số tiền 50.000 đồng dành dụm đến ủng hộ. Rồi bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) gọi nhau, nấu cơm lam, bánh chưng ủng hộ cán bộ, chiến sĩ chốt dịch trên đỉnh Pà Khốm…
Phải nói thêm, không phải bây giờ, với tỉnh nhà, mà đã từ lâu với đồng bào cả nước, người dân xứ Nghệ đã và đang sống trọn tình, trọn nghĩa. Khi Bắc Giang “lâm nguy”, người dân Yên Thành mổ lợn làm ruốc bông, xúc xích; người Cửa Lò làm cá khô, mực rim… để tiếp sức. Rồi người con "quê lúa" Nguyễn Đình Quảng cùng bạn là Nguyễn Hoàng Hà tình nguyện lái chiếc xe cứu thương duy nhất, tài sản chung của giáo xứ, ra Bắc Giang và ở lại để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Khi đi các anh không quên nhắn nhủ vợ con: “Khi nào hết dịch anh sẽ về”…
Còn rất nhiều tấm gương nghĩa tĩnh, tấm lòng thơm thảo không kể hết. Họ, bất kể trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc… người góp tiền, người góp sức, người thì góp quả cam, cốc nước… Món quà nhỏ, to đều là tấm lòng, là sự quan tâm, sẻ chia và cả sự biết ơn của người dân với lực lượng tuyến đầu.
“Giông bão” vẫn chưa qua. Bản tin thời sự sáng nay, TP.Vinh có thêm 3 ca nhiễm mới, gồm 2 F1 chuyển thành F0 và 1 trường hợp nhiễm ở cộng đồng. Các lực lượng tuyến đầu vẫn đang căng mình chống dịch. Thế nhưng các anh, các chị không đơn độc. Người Xứ Nghệ là thế, gan góc nhưng nghĩa tình. Vì thế, không có khó khăn, gian khổ nào mà xứ Nghệ không vượt qua.
Giữa những ngày gian lao vì dịch bệnh, lại càng thấm thía lời ca: “Dân tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”. Vì thế mà “Đi xa lại muốn về. Khổ đau càng muốn về”.