Bức xúc về việc đền bù đất giải phóng mặt bằng không thỏa đáng để thực hiện dự án "Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du", bà Đặng Thị Tích (TT Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Gửi đơn phản ánh đến báo, bà Đặng Thị Tích (SN 1947, ở TDP Hồng Lam, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình bà có thửa số 12, tờ bản đồ số 8, bản đồ địa chính xã Tiên Điền đo đạc năm 2014 với tổng diện tích 762,2 m2 (trong đó đất ở 200 m2, đất trồng cây 562,2 m2) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CĐ 414.384 do UBND huyện Nghi Xuân cấp ngày 2/3/2017.
Đây là thửa đất của vợ chồng ông bà (ông đã mất) tạo dựng được để chia cho 3 người con (một người đã mất), mỗi người một miếng để xây nhà ở hương khói cho tổ tiên. Hiện tại gia đình con trai út của bà Tích là anh Lê Quang Hưng đã được bà Tích chia cho một phần đất trong thửa đất của bà để xây nhà ra ở riêng.
Tháng 2/2020, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thông báo thu hồi đất của bà Đặng Thi Tích với diện tích 585,8 m2 (trong đó đất ở 150 m2, đất trồng cây 435,8 m2) để thực hiện dự án "Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh'" (giai đoạn 1).
Tuy vậy, phía huyện Nghi Xuân và gia đình bà Đặng Thị Tích không thống nhất được mức đền bù nên hiện giờ bà Tích vẫn chưa đồng ý giao đất.
Thửa đất của bà Tích có vị trí đẹp, trung tâm quảng trường Nguyễn Du với 2 mặt tiền sắp bị giải tỏa
Theo tìm hiểu của PV được biết, để thực hiện dự án, lãnh đạo UBND huyên Nghi Xuân có mời bà Đặng Thị Tích và con trai bà Tích là anh Lê Quang Hưng lên và trao đổi mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng là 3.710.000 đồng/m2. Tổng diện tích 585,8 m2 đất của gia đình bà chỉ được đền bù hơn 1,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, số tiền bà Đặng Thị Tích và hộ anh Lê Quang Hưng phải nộp để được sử dụng 2 lô đất ở tái định cư vùng quy hoạch phía tây trường THPT Nguyễn Du, thị trấn Tiên Điền và Đồng Mím với giá thành cao (gần 850 triệu đồng), số tiền còn lại không đủ để bà Tích và anh Hưng dựng nhà mới để ổn định cuộc sống.
Bà Đặng Thị Tích chưa chấp nhận việc thu hồi đất vì cho rằng loại đất mà Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân nêu ra trong các quyết định thu hồi là không đúng, cũng như việc giá bồi thường (3.710.000 đồng/m2) theo quy định tại quyết định của Ủy ban nhân dân huyện là chưa phù hợp với giá đất thị trường. Theo bà Tích, thửa đất của bà nằm khu trung tâm quảng trường Nguyễn Du với 2 mặt tiền, thời điểm hiện nay có giá đất thị trường gần 8 triệu đồng/m2 và bà cũng dẫn chứng thêm một số hộ dân bám theo trục đường từ trường mầm non thị trấn Tiên Điền đến đoạn đường cạnh hộ gia đình ông Liêm Mai cũng đã có giá đền bù trong khung từ 4.850.000 đồng/m2 - 7.918.000 đồng/m2. Do vậy, gia đình bà thực hiện việc khiếu nại các quyết định nêu trên của huyện Nghi Xuân dẫn đến kéo dài cho đến nay.
Bà Đặng Thị Tích bức xúc việc vu khống, bịa đặt: "Đã 4 lần cán bộ huyện đến nhà bà kiểm điểm tài sản trên đất nhưng huyện Nghi Xuân vẫn ra quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc với lý do bà không cho kiểm đếm tài sản"
Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc, PV đã liên hệ với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du để xác minh. Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Đậu Văn Hùng, Phó Ban chuyên trách Ban Giải phóng mặt bằng huyện Nghi Xuân cho biết, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của bà Đặng Thị Tích và đang soạn các nội dung để trả lời đơn cho bà, hiện vẫn chưa ban hành văn bản.
"Giá đất thuộc thẩm quyền của UBND huyện quyết định. Trước hết là Hội đồng thẩm định giá đất của huyện. Sau đó, huyện thuê một đơn vị tư vấn, đưa ra họp bàn, trình Chủ tịch UBND huyện ký quyết định giá đất. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chỉ thống kê khối lượng thôi", ông Hùng nói.
Cũng theo Phó Ban chuyên trách Ban Giải phóng mặt bằng huyện Nghi Xuân Đậu Văn Hùng, nếu bà Đặng Thị Tích thắc mắc về giá đất thì làm đơn kiến nghị về quyết định của Chủ tịch UBND huyện để được trả lời về việc giá đất thấp hay là cao. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng không có quyền ban hành chính sách về giá đất.
Gần 586 m2 đất là tài sản gây dựng của cả một đời người và là phương tiện sinh sống của cả gia đình bà Tích và các con. Thiết nghĩ, việc định giá đất sau khi thu hồi của dân để làm dự án phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, để vừa phù hợp với Luật Đất đai và tình hình thực tế, vừa đảm bảo sự khách quan, công bằng với các hộ cùng bị thu hồi đất./.