Biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an nêu rõ khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi chính thức môn Sinh học của Bộ.

Theo một chuyên gia khảo thí, sự trùng lặp này cần phải điều tra vì có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có khả năng là tiêu cực (lỗ hổng, bảo mật) nhưng cũng có thể là do những vấn đề về quy trình, hay khả năng do năng lực phán đoán của giáo viên.

Vì vậy cần phải điều tra để hiểu rõ bản chất của vấn đề. So sánh giữa đề thi và nội dung ôn tập của thầy Nghệ chỉ là bề nổi nên vị chuyên gia cho rằng cần phải điều tra xem thầy Nghệ và đội ngũ ra đề có quan hệ như thế nào, không thể nói khơi khơi, đơn giản vì rất nguy hiểm.

“Văn hoá đoán đề để luyện thi, ôn thi đã có từ lâu ở Việt Nam. Tình trạng đoán đề trúng không hiếm. Nhưng vấn đề đoán trúng đến tỷ lệ như thế nào, tương đồng đến đâu phải có điều tra cho cặn kẽ”, vị chuyên gia kiến nghị.

Bà Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia giáo dục độc lập cho hay nếu năng lực làm đề tốt có thể dùng kỹ thuật để vô hiệu hoá được tất cả các vấn đề liên quan đến luyện thi, đoán đề. Theo bà Quyên, sở dĩ đoán được đề do giáo viên dựa vào phom đề ra hằng năm. Trong một thời gian nhất định, phom đề không thay đổi, giáo viên có thể dự đoán được khá chính xác đề. Nếu đổi phom đề, giống như đề thi Ngữ văn, từ khi ra đề mở, sẽ không còn tình trạng ôn thi “trúng tủ”. Vấn đề là có năng lực kỹ thuật để hoá giải vấn đề này hay không.

TS Phạm Ngọc Duy, Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) cho rằng Bộ GD&ĐT cần trả lời một số câu hỏi để dư luận hiểu rõ bản chất của vụ việc. Trong đó, TS Duy băn khoăn là sau khi rút đề thô thì có cán bộ kiểm tra không; nếu có kiểm tra sao không phát hiện ra vấn đề. Quan trọng hơn là tại sao vấn đề trùng lặp chỉ xảy ra với môn Sinh học.

Đề thi chưa chuẩn hoá

Nói về quy trình làm đề chuẩn, TS Phạm Ngọc Duy cho hay phải bao gồm 15 – 20 bước. Tuy nhiên ông tóm gọn trong mấy bước quan trọng như cán bộ ra đề thi cần phải viết câu hỏi mới, không được dựa vào các câu hỏi, hình vẽ sẵn có trong các đề thi, tài liệu đã có. Câu hỏi được dự thảo cần trải qua nhiều vòng rà soát, kiểm tra, làm thử độc lập. Câu hỏi cần được thử nghiệm trên một mẫu thí sinh phù hợp để loại bỏ những câu hỏi không đảm bảo chất lượng.

Sau khi loại bỏ câu hỏi không đảm bảo chất lượng thông qua phân tích kết quả thử nghiệm, đưa câu hỏi và ngân hàng câu hỏi, sau đó cần có sự kết hợp giữa máy tính và rà soát của con người khi tổng hợp các đề thô từ ngân hàng câu hỏi. Từng mã đề sau khi tổng hợp cần đảm bảo yêu cầu về ma trận đề thi, về độ khó các câu hỏi và toàn bộ mã đề. Quan trọng nhất là người kiểm soát những bước này.

Còn bà Đỗ Thị Ngọc Quyên thông tin để phát triển bài thi chuẩn hóa, tối thiểu cần phải trải qua các bước xây dựng chuẩn nội dung. Đây là bước căn bản đầu tiên, thường chuẩn nội dung đánh giá là chuẩn đầu ra chương trình phổ thông quốc gia, chương trình đại học của một trường. Trên cơ sở nội dung chuẩn, nhóm chuyên gia (thường là giáo viên, giảng viên (đã từng) trực tiếp giảng dạy) triển khai viết câu hỏi thi dưới các dạng khác nhau.

5-thi-thpt-1640672451-1640692933.jpg

Sau đó, một nhóm chuyên gia khác cần phải rà soát các câu hỏi thi này để kiểm tra tính chính xác, độ giá trị, tính công bằng… Thử nghiệm câu hỏi trên chính các đối tượng được đánh giá. Câu trả lời của họ được sử dụng để phân tích, đánh giá các câu hỏi thi. Chỉ những câu hỏi thi đạt các yêu cầu kỹ thuật mới được đưa vào sử dụng để thi. Đây mới chỉ giúp hình thành bộ câu hỏi. Để có đề thi cho một kỳ thi, phải xây dựng đề thi. Nếu số câu hỏi thi có được bằng với số câu hỏi thi của một đề thi, khi ấy có 1 đề thi gốc và việc trộn thứ tự các câu hỏi thi trong đề gốc này sẽ cho ra các đề con (như trường hợp các đề thi THPT quốc gia gần đây). Trong trường hợp này, cho dù thí sinh nhận được đề thi nào đi nữa, tổng số câu hỏi và câu hỏi thi họ phải trải qua là như nhau, như vậy đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh.

Hiện nay những bài thi chuẩn hóa nổi tiếng phải kể đến như IELTS, TOEFL, SAT, ACT, GMAT, GRE… Các tổ chức khảo thí tổ chức các bài thi này đều đã phát triển bộ ngân hàng câu hỏi nhiều năm nay. Các bài thi này đều có chung một đặc điểm là có thể được tổ chức ở nhiều địa điểm trên thế giới, vào nhiều thời gian khác nhau, dành cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nền giáo dục, văn hóa.

“Trong phạm vi quốc gia, những bài thi cần được chuẩn hóa bao gồm bài thi tốt nghiệp các cấp để giúp đối sánh kết quả thi giữa các năm hoặc giữa các địa phương. Việc chuẩn hóa bài thi hay ngân hàng câu hỏi thi đòi hỏi thời gian rất dài ngoài chi phí và nhân lực có chuyên môn cao. Thường để phát triển các bài thi chuẩn hóa, những tổ chức khảo thí như Cambridge, ETS hay Pearson phải dành thời gian cả năm cho công việc này”, bà Quyên nói.

Trong khi đó, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi hiện nay đã chuẩn hoá hay chưa là câu hỏi đang được các chuyên gia đặt ra đối với Bộ GD&ĐT. Tại văn bản trả lời báo chí liên quan đến vụ việc đề thi môn Sinh học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định đang chỉ đạo triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất.

Việc Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và loại ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ra khỏi danh mục các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện cho việc đề thi có thể bị đưa ra ngoài ngay trước kỳ thi./.