Nhạc sỹ Trương Quốc Đính sinh ra và lớn lên trên miền đất Thạch Xuân - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Tên gọi của quê hương, cả nghĩa rộng, lẫn nghĩa hẹp, đã hàm chứa nhiều yếu tố của sự sinh sôi, phát triển. Hình như từ trong sức nặng, sự điềm tĩnh, có vẻ trần trụi của đá núi, miền bán sơn địa, được kết nối bởi âm vang lắng trầm, của những con sông tĩnh lặng, đang được hồi sinh, bằng sức sống của mùa xuân. Trương Quốc Đính như nhận được niềm ân sủng của trời đất ban cho cả một sức mạnh tinh thần vô giá của quê hương để bước vào chân trời nghệ thuật một cách tự nhiên, khiêm tốn, yêu đời và yêu người.
 
Trương Quốc Đính sinh năm 1947, sau khi rời ghế nhà trường, anh lên đường gia nhập Tổng đội Thanh niên xung phong C53-6, P18. Nhờ có năng khiếu đàn hát nên ông được phân ngay vào đội văn nghệ của Tổng đội. Sau 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, Trương Quốc Đính chuyển về công tác tại Công ty Xây dựng số 4 Nghệ Tĩnh, lại được Công ty ưu ái cho đi học thêm về các khóa đào tạo ngắn hạn về âm nhạc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Nhờ những kiến thức cơ bản được đào tạo, cộng với sự đam mê nghệ thuật và kinh nghiệm thực tiễn, đã tạo cho Trương Quốc Đính một chỗ đứng vững vàng trên con đường âm nhạc.
 
Nghiệp và nghề cứ bám riết lấy cuộc đời của người nghệ nhân - nhạc sĩ này và như cái duyên trời trời định. Trương Quốc Đính kết hôn với chị Nguyễn Thị Mai, một nữ sinh khoa thanh nhạc cùng trường. Thế rồi, chồng đàn vợ hát, hai người trở nên nổi đình nổi đám một thời ở quê hương của mình. Ngày càng có nhiều đơn đặt hàng cho đôi vợ chồng đàn ngọt, hát hay này. Để có điều kiện phát triển hơn về nghề nghiệp, họ xin chuyển công tác về Nhà Văn hóa thành phố Hà Tĩnh.

Khi “cái nghề” đã được thực thi trọn vẹn, thì “cái nghiệp” lại bùng cháy trong tâm can. Từ một cán bộ phong trào, ông đã thực sự dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, một cách khá vững vàng và tự tin. 
Và sau khi nghỉ hưu, Trương Quốc Đính vẫn tự học, rèn luyện và đam mê đến tận cùng với Dân ca Ví, Giặm. Cái nghiệp mà trời ban cho ấy, được ông dùi mài không ngơi nghỉ như một con tằm luôn nhả tơ óng mượt cho đời. Anh được kết nạp hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh rồi hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Thế mạnh của Trương Quốc Đính là sáng tác, đương nhiên là nghệ nhân thì điều quan trọng là còn phải hát hay và hát đúng thì mới có khả năng truyền dạy cho người khác. Những thành tích cao mà ông đạt được trong sự nghiệp sáng tạo của mình trên mọi diễn đàn văn học nghệ thuật quả là không nhỏ so với tuổi đời và tuổi nghề của một nghệ nhân - nghệ sĩ.
 
 
Trương Quốc Đính tham gia viết cho nhiều mảng đề tài trong cuộc sống. Từ tổ khúc dân ca đến các vở diễn kịch ngắn kịch hát Nghệ Tĩnh, bất kể viết cho phong trào nghệ thuật quần chúng hay viết cho Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, tác phẩm nào của ông cũng đều đã để lại ấn tượng khá sâu đậm như các tác phẩm: Chuyện nhà tôi, Biển gọi, Chuyện hàng xóm, Của hồi môn, Khúc hát dâng Người, Hãy tự cứu mình; Quỳnh Viên Điểm hẹn, Vui cùng Thạch Lạc, Hương Khê ngày mới, Chuyện một đêm gác, Biển gọi, Chuyện hàng xóm, Khúc hát dâng Người, Nam Hà quê tôi…Bên cạnh sưu tầm và biên soạn dân ca, nghệ nhân Trương quốc Đính là người thể nghiệm khá thành công trong sáng tác các ca khúc phát triển từ âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh tiêu biểu như: Bên tượng đài Bác, Hà Tĩnh âm vang ngày mới, Tình sông la, Thạch Xuân yêu thương, Vũ Quang ngày mới, Thành phố một niềm yêu (Thơ Vũ Thìn);  Nghe hát dân ca trên biển (Thơ Ngọc Phú); Cảm xuân Hồng Lĩnh, Khúc ca chiến sĩ Biên phòng Đèo Ngang…
 
 
NNƯT Trương Quốc Đính (thứ tư bên phải sang) Nhận giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2018
 
Với sự đóng góp của mình, đến nay Trương Quốc Đính đã tạo được chỗ đứng vững chãi trong lòng công chúng và bạn bè đồng nghiệp, người thân cả trong sự nghiệp sáng tạo, lẫn nếp đối nhân xử thế ngoài đời của một con người Xứ Nghệ “sau trước vẹn toàn”. Nghệ nhân - Nhạc sĩ Trương Quốc Đính đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải nhất tỉnh về Hội diễn phòng chống ma túy năm 2005 với kịch hát Hãy tự cứu mình; Giải B cuộc thi soạn lời dân ca trên sóng phát thanh Hà Tĩnh năm 2011 với tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh Quỳnh Viên Điểm hẹn; Giải B (không có giải A) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009 cho ca khúc Tình sông La; Giải B của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam năm 2008 với ca khúc Tổ ấm Công Đoàn Hà Tĩnh; Giải B Liên hoan âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2013 với ca khúc Tình đồng đội (Thơ Võ Tá Lý). Năm 2017, 2018, anh được Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao tặng 2 giải C cho ca khúc “Bên Hồ Thiên tượng” (thơ Nguyễn Ngọc Phú) và ca khúc “Mênh mang Ca trù” (thơ Phạm Đức Ban);  cùng với nhiều giải thưởng khác trong các Liên hoan đàn hát dân ca toàn tỉnh và thành phố Hà Tĩnh.    
 
Năm 2009, nghệ nhân – nhạc sỹ Trương Quốc Đính được UBND tỉnh trao giải thưởng Giải Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ V (2005 – 2009) với chùm ca khúc Âm vang ngày mới và được tặng Bằng khen của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về thành tích trong lao động sáng tạo trong văn học nghệ thuật; năm 2013, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đặc biệt, năm 2019, Trương Quốc Đính vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú.
 
Cho đến nay, Nghệ nhân - Nhạc sỹ Trương Quốc Đính dẫu đã trên 70 tuổi đời và 40 tuổi nghề, nhưng trông anh vẫn còn sung súc, con tằm vẫn tiếp tục nhả tơ để hiến cho đời nhiều sáng tạo nghệ thuật có giá trị.