Tạ Kim Khánh (sinh năm 1956), cô thôn nữ xinh xắn quê ở Thạch Hương, Thạch Hà vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp VHNT Hà Tĩnh, chân ướt chân ráo về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Can Lộc bỗng nổi lên như cồn nhờ trời phú cho chị một giọng hát cao vút, trong trẻo như chuông. Lúc đó, vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi trăng tròn, Kim Khánh đã hát rất thành công cả giọng nam và giọng nữ trong bài hát “Trên công trường rộn tiếng ca”- một bài hát đã đi cùng năm tháng.
Những năm tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động: Xung kích trong lao động sản xuất; xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và xung kích trong học tập đã diễn ra vô cùng sôi nổi khắp cả nước. Tại Hà Tĩnh, vào ngày 26 tháng 3 năm 1978, “Công trình tuổi trẻ” đắp đập ngăn nước mặn ở Đò Điệm, mang dòng nước ngọt về cho các xã vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc cũng ra đời từ đó, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước.
Lao động trên công trường tuổi trẻ với sự góp mặt của hàng vạn đoàn viên thanh niên thuộc 27 huyện, thị, thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Hàng ngày, trống dong cờ mở, đi đến đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng đàn. Vừa lao động, vừa thay nhau lên hát qua loa phát thanh để cho cả đơn vị đang thi công trên công trường nghe. Với không khí sôi nổi, khẩn trương của buổi đầu xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh, nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời như: “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Câu hò trên những dòng kênh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Lên ngàn”, “Màu áo anh thương”, “Người con gái sông La”, “Con kênh xanh”, “Như thác nước đổ về”, “Bài ca tín dụng”, “Bài ca không quên”, “cô gái vót chông”…
Lao động trên công trường tuổi trẻ với sự góp mặt của hàng vạn đoàn viên thanh niên thuộc 27 huyện, thị, thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Hàng ngày, trống dong cờ mở, đi đến đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng đàn. Vừa lao động, vừa thay nhau lên hát qua loa phát thanh để cho cả đơn vị đang thi công trên công trường nghe. Với không khí sôi nổi, khẩn trương của buổi đầu xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh, nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời như: “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Câu hò trên những dòng kênh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Lên ngàn”, “Màu áo anh thương”, “Người con gái sông La”, “Con kênh xanh”, “Như thác nước đổ về”, “Bài ca tín dụng”, “Bài ca không quên”, “cô gái vót chông”…
Những ca khúc ấy đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của các bạn nam nữ thanh niên nói chung, Tạ Kim Khánh nói riêng. Chị đã hát không biết mệt mỏi bằng cả trái tim nhiệt huyết của mình, kể cả khi không có âm thanh loa máy, chị xắn quần quá gồi cùng làm đất và hát cho các bạn thanh niên cùng nghe, giúp họ quên đi cái nắng hạ và mệt nhọc. Đi đến đâu Kim Khánh cũng được yêu cầu hát đi hát lại ca khúc “Trên công trường rộn tiếng ca”, phần thì ca khúc này là linh hồn, là lý tưởng sống của thanh niên hồi bấy giờ, phần thì nhờ giọng hát nam – nữ vô cùng đặc biệt của cô ca sĩ không chuyên: Tạ Kim Khánh. Đến bây giờ ca khúc này vẫn luôn nhập tâm trong chị với tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng: Đôi bồ câu đang bay về hướng anh cùng em đi ra công trường/ Gió lộng trời xanh chim hót hoa đưa hương/ Với cả tình ta nâng bước ta lên đường/ Như ngày qua em ở hậu phương, như ngày qua anh nơi chiến trường/ Đã hẹn cùng nhau thề giữ lấy quê hương/ Cho ngày hôm nay vai sánh vai trên công trường…
Cũng trong năm 1979, dưới sự bảo trợ của Báo Tiền Phong, Tạ Kim Khánh vinh dự được phân công làm Phó đoàn Văn nghệ của Công trình tuổi trẻ Nghệ Tĩnh cùng với anh Lê Quang Úy – Phó Bí thư Tỉnh đoàn (Trưởng đoàn) ra Đài Tiếng nói Việt Nam ghi âm chương trình nghệ thuật“Tiếng hát từ núi Hồng sông La”để phát sóng rộng rãi trong toàn quốc cho nhiều người cùng thưởng thức. Chương trình của đoàn đã để lại một dấu ấn đặc biệt – đánh dấu cái mốc đầu tiên của Chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhờ tiếng vang này, đoàn nghệ thuật của Công trình tuổi trẻ còn được Trung ương Đoàn và Báo Tiền phong cho lưu diễn một số địa điểm tại thủ đô Hà Nội, sau đó về phục vụ Đại hội tỉnh đảng bộ tỉnh Nghệ An, rồi tỉnh Hà Tĩnh và các Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh. Cuối năm 1979, kết thúc công trình tuổi trẻ, Tạ Kim Khánh vinh dự một lúc nhận được 2 phần thưởng cao quý dành cho “Lao động giỏi” và “Văn hóa tuyên truyền giỏi”. Mỗi danh hiệu kèm theo một phần thưởng là một chiếc gương to có lồng hình ảnh Bác Hồ và có dòng chữ: “Công trình tuổi trẻ - Kính tặng”. Đến nay, Tạ Kim Khánh vẫn còn giữ nguyên 2 chiếc gương đó gắn với kỷ niệm đáng nhớ của đời hoạt động nghệ thuật của mình.
Nhờ tình yêu nghệ thuật cộng với năng khiếu trời ban cho và ý thức phấn đấu không mệt mỏi của bản thân, năm 1984 Tạ Kim Khánh được Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà Văn hóa huyện Can Lộc, chị càng có điều kiện để sưu tầm, bảo tồn về dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh.
Kim Khánh (trái) và Thanh Lan tham gia phục dựng Hát Ví sông La, do Thư Hiền chủ nhiệm đề tài
Đến năm 1991, chuyển sang mô hình mới Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, đồng chí Phan Thư Hiền - huyện ủy viên lên thay. Năm 2007, sau một vụ tai nạn khá nặng, chị xin nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm. Quảng thời gian không phải tham gia công tác quản lý, Tạ Kim Khánh bắt đầu dành nhiều thời gian cho thực hành dân ca Ví Giặm tại cộng đồng. Chị đứng ra thành lập Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm khối phố Nam Sơn, thị trấn Can Lộc.
Giờ đây, trên các sân khấu của tỉnh và huyện, nghệ nhân Tạ Kim Khánh lại say sưa hát như thời còn trẻ, và giọng hát của “người đàn bà không có tuổi” này vẫn tiếp tục chinh phục được khán giả. Người xem khi nghe/ xem Tạ Kim Khánh hát hoặc trình diễn, ai cũng lại hồi tưởng về một thôn nữ hát hai giọng trong bài “Trên công trường rộn tiếng ca” ngày ấy.