8h sáng, ông Vi Văn Khoa (Hà Đông, Hà Nội), lọ mọ đẩy chiếc xe thùng tự chế bên trong đựng đầy vỏ chai rượu tây được ông gửi bên chợ đồ cũ (Vạn Phúc, Hà Đông) ra vỉa hè đường Tố Hữu bày bán.

Ông Khoa có dáng người nhỏ con, chân đi khập khiễng vì một bên bị tật. Chật vật mãi ông mới đẩy được chiếc xe thùng lên vỉa hè do khoảng cách giữa mặt đường và vỉa hè khá cao.

Tìm chiếc chìa khóa tủ nằm trong chùm chìa khóa đeo bên hông, ông Khoa rờ rẫm mở cánh tủ của chiếc xe thùng. Sau tiếng tách, cánh cửa tủ đựng vỏ chai rượu tây được mở ra, mùi rượu ngoại, ẩm mốc, mùi nước rửa chén trộn lẫn với nhau xộc lên tận óc.

1-1649047635.jpeg
Ông Khoa đang làm vệ sinh vỏ một chai rượu tây để bán cho khách.

Mất khoảng 10 phút để bày hàng ra vỉa hè, thêm một chút thời gian sắp xếp chỗ ngồi, căng chiếc ô che nắng, cuối cùng ông Khoa gọi một cốc trà nóng đặc của quán nước bên cạnh, cầm bật lửa châm điếu thuốc lá rồi ngồi "câu" khách.

Với giọng điệu thều thào của người có sức khỏe không tốt, ông Khoa cho biết mình đã gắn bó với nghề buôn bán vỏ chai rượu tây đến nay đã hơn 20 năm trời.

"Ban đầu tôi chỉ là người có sở thích sưu tầm vỏ chai rượu tây để thỏa mãn đam mê của mình; Tuy nhiên, không hiểu sao lại trở thành người buôn bán loại vỏ chai rượu này. Nó giống như buôn bán đồng nát nhưng cao cấp hơn một chút vì có chữ tây và người mua mang về dùng chứ không đập đi tái chế lại", ông Khoa kể.

2-1649047664.jpeg
Vỏ chai rượu tây này được ông khoa bán với giá 130 nghìn đồng.

Ông Khoa cho biết thêm, trong 20 năm trời gắn bó với nghề buôn bán vỏ chai rượu tây, ông có đến 10 năm ngồi bán hàng trên vỉa hè mặt đường Tố Hữu. Thời điểm trục đường này mới được đưa vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

"Bán loại mặt hàng này như kiểu đi câu ấy, mình cứ bày hàng ra đó ai đi qua có nhu cầu là họ tạt vào ngay, không phải mời chào gì cả. Là mặt hàng khá đặc biệt, nhiều người khi đến mua vỏ chai họ nói có cho họ rượu tây họ cũng chẳng uống.

Họ mua vì vẻ đẹp của cái vỏ chai mà thôi, cứ rượu gạo ở quê nấu sau đó ngâm với hoa quả, thuốc bắc một thời gian dài rồi chắt vào vỏ chai rượu tây, vừa ngon lại còn đảm bảo nguồn gốc xuất xứ", ông Khoa nói.

Để có được nguồn hàng đa dạng và phong phú phục vụ "thượng khách", ông Khoa thường xuyên móc nối với cánh thu mua đồng nát. Đây là đội quân chủ lực liên tục đi vào tận hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội để thua mua phế liệu.

3-1649047697.jpeg
"Cửa hàng" vỏ chai của ông Khoa với đủ thể loại nằm trên đường Tố Hữu (Hà Đông)

Người nào may mắn gặp được gia đình hay dùng rượu tây chỉ cần mua được mấy cái vỏ chai, loại có thương hiệu nổi tiếng, tuổi đời lâu năm bán lại kiếm lời vài trăm nghìn. Đa phần mọi người vẫn coi vỏ chai là loại bỏ đi, để chỉ tổ chật nhà, có bán giá cũng rẻ như cho.

Thương hiệu "Khoa vỏ chai" được ông bắt đầu xây dựng từ hơn 20 năm trước nên "đối tác" của ông cũng vô cùng phong phú. Trước đây, phần lớn nguồn cung cấp vỏ chai cho ông Khoa là đội quân đồng nát. Tuy nhiên, thời gian gần đây có thêm nguồn cung từ người giúp việc, người làm nghề dọn dẹp nhà cửa theo giờ, tạp vụ…

"Nói ra chưa chắc có người đã tin, nhưng quả thật tôi có một mối hàng, người cung cấp hàng là giúp việc trong một gia đình ở gần đây. Theo bà đó kể thì gia đình nhà chủ có điều kiện, ông chồng thường xuyên tiếp khách và họ chỉ dùng rượu tây, còn bà vợ thì cũng phóng khoáng chẳng quan tâm gì đến mấy cái vỏ chai rượu vặt. Mỗi tháng bà giúp việc này lại mang hàng cho tôi một lần, có lần cả chục vỏ chai", ông Khoa vui vẻ kể.

4-1649047724.jpeg
Tại một "cửa hàng" vỏ chai khác, nhiều người khách tìm mua vỏ chai rượu tây.

Thông thường khi mua vỏ chai rượu tây, chai nào mới mở còn đầy đủ nút, nhãn mác sẽ được ông Khoa mua với giá cao hơn do mặt hàng này khi bày bán sẽ trôi nhanh hơn, được nhiều người thích. Với những loại chai không còn nhãn mác, mất nút, giá sẽ thấp hơn và ông Khoa phải dùng thủ thuật để tạo ra những cái nút chai mới.

Về giá cả các loại vỏ chai rượu tây, ông Khoa mua vào thấp nhất từ 10 nghìn đồng một vỏ, cao nhất có khi lên đến cả vài trăm nghìn đồng. Mỗi vỏ chai khi bán lại cho khách, ông Khoa kiếm lời từ 10 nghìn đến cả trăm nghìn đồng. Mỗi sáng bày hàng ra, chiều thu về, ông Khoa bỏ túi vài trăm nghìn đồng là chuyện thường.

3637749b1ffcd1a288ed-2ruou-tay-16487369328551415747510-1648737778035552349370-1649047772.jpeg
Khách hàng cho biết họ mua vỏ chai về để đựng rượu ngâm ở nhà cho đẹp.

"Tôi ngày này nào cũng đi làm về qua đây, thi thoảng lại ghé vào chỗ ông Khoa bán vỏ chai, thấy cái nào đẹp là mua. Tôi có sở thích sưu tầm, nhâm nhi chút rượu nhưng phải là loại rượu do chính tôi ngâm. Tôi chỉ thích mấy vỏ chai rượu tây, chứ ruột của nó tôi không uống vì không rõ được nguồn gốc xuất xứ ra sao. Mua vỏ chai về rồi vệ sinh sạch sẽ sau đó chắt rượu mình ngâm vào để uống, trưng bày trên tủ cũng rất thích mắt", anh Đỗ Quốc Quân (Hà Đông) cho biết.

Anh Hà Văn Long (Hà Tĩnh) vừa tìm cho mình được vỏ một chai rượu mạnh có thương hiệu mười mấy năm còn khá mới, vui vẻ cho biết: "Nói thật, chai rượu này trên thị trường đang bán vài triệu đồng, mình công nhân xây dựng có tiền đâu mà mua. Tôi còn chưa biết vị rượu tây như thế nào, mua cái vỏ chai này về để chắt rượu táo mèo do tôi ngâm vào cho nó đẹp thôi"./.