Ngày 21.7, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhật Sơn (63 tuổi), trú xã Cát Văn – Thanh Chương (Nghệ An) cho biết rất đau lòng vì đã 44 năm trôi qua, những đồng đội thanh niên xung phong (TNXP) tuổi 18 đôi mươi ngã xuống ở công trình cống Hiệp Hòa vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.
Theo ông Sơn, vào năm 1978, lúc đó ông mới 19 tuổi, cùng nhiều thanh niên cùng lứa trong xã được huy động vào lực lượng TNXP đi lao động xã hội chủ nghĩa, cải tạo, nâng cấp cống Hiệp Hòa, một công trình thủy nông cấp bách ở xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương).
“Lúc đó sau chiến tranh, thanh niên dạt dào khí thế yêu nước, rất hăng hái tham gia lao động xã hội chủ nghĩa. Lực lượng TNXP ở công trường cống Hiệp Hòa rất đông, do tính cấp bách của công trình phục vụ tưới tiêu cho hàng vạn ha lúa các huyện Diễn Yên Quỳnh (Diễn Châu – Yên Thành – Quỳnh Lưu) nên chia 3 ca làm việc thông tầm” – ông Sơn kể lại.
Lúc đó, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh còn hết sức khó khăn, nên điều kiện ăn uống của lực lượng TNXP rất kham khổ, thiếu thốn, thức ăn chủ yếu là bột mì, rau thì các đơn vị phải tự túc. “Công việc chủ yếu là đào, xúc, chuyển đất. Anh em ai cũng thường xuyên bị đói” – ông Sơn nói.
Thảm nạn xảy ra vào trưa 3.1.1978, lúc đó cống đang thi công dở bị sập, hàng vạn m3 đất trôi xuống, vùi lấp hàng trăm con người. “Tiếng kêu la hoảng loạn vang lên khắp nơi, sau đó im bặt vì bị vùi lấp. Đồng đội lao vào cứu, nhưng chỉ cứu được những người phía trên. Lực lượng bộ đội được huy động cứu nạn. Đến ngày thứ 3, thi thể cuối cùng mới được tìm thấy. Có 98 người chết, hàng trăm người bị thương” – ông Nguyễn Nhật Sơn nghẹn ngào.
Ông Sơn thoát chết do được phân công đi lấy cơm cho đồng đội. Sau đó ông nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường phía Bắc và bị thương, phục viên. Hiện ông là thương binh 4/4.
“Tôi may mắn thoát chết, có cuộc sống gia đình, con cháu thành đạt. Đau xót nhất là các đồng đội của tôi, ngã xuống ở tuổi đời rất trẻ, đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Công trường nơi họ hi sinh đến nay vẫn chưa có một tấm bia tưởng niệm, ghi công. Tôi rất mong lãnh đạo tỉnh Nghệ An có sự xem xét, kiến nghị trung ương giải quyết công nhận liệt sĩ cho những người đã ngã xuống” – ông Sơn đau đáu.
Cùng tâm trạng với ông Sơn, thương binh Nguyễn Bá Bình, xã Cát Văn có em gái là chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1958), đã hi sinh trong sự kiện cống Hiệp Hòa năm 1978, lúc vừa tròn 20 tuổi, chưa lập gia đình.
Năm 1980, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh là ông Trần Quang Đạt đã ký bằng “Ghi công” cho chị Nguyễn Thị Minh với nội dung: “UBND tỉnh Nghệ Tĩnh ghi công đồng chí Nguyễn Thị Minh xã Cát Văn – huyện Thanh Chương đã hi sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3.1.1978”. Bố mẹ chị Minh được tỉnh trợ cấp hàng tháng.
Từ năm 2018, ông Bình đã nhiều lần đề nghị tỉnh Nghệ An xây dựng công trình tưởng niệm những thanh niên đã hi sinh ở cống Hiệp Hòa, tỉnh Nghệ An hứa giải quyết nhưng đến nay công trình chưa khởi công./.