Hơn 20 năm qua, ông Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An, đã cưu mang, chăm lo, nuôi dạy hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đã có hơn 200 trẻ em khi nhận nuôi không có thông tin được ông đặt tên và gọi là con.
Đầu năm mới Tân Sửu 2021, Phóng viên đã liên hệ với ông Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An, và được nghe ông tâm sự về những kỷ niệm của cuộc đời ông cũng như những kế hoạch trong năm mới.
Có hàng trăm đứa con
Nhiều năm nay, ông Lê Trung Thực còn được biết đến với những biệt danh trìu mến như "Người bố có nhiều con nhất Việt Nam" hay là "giám đốc không lương", đây là những cái tên mà nhiều người yêu mến đặt cho ông.
Ông Lê Trung Thực (ngoài cùng bên trái) đón Tết Tân sửu 2021 cùng mọi người trong trung tâm - Ảnh: Phan Sen
Ông Thực cho biết hiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An đang có 78 trường hợp là trẻ em cơ nhỡ có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhiều trường hợp là những người vô gia cư… Dịp Tết Tân sửu năm nay có nhiều em được gia đình họ hàng đón về ăn Tết, còn 60 trường hợp ăn Tết tại trung tâm. Mọi người ăn Tết tại trung tâm đều vui vẻ phấn khởi, không ai đau ốm.
Kể về cơ duyên đến với việc nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Thực cho biết đây chỉ là trách nhiệm với cộng đồng, luôn muốn làm điều tốt đẹp nhất cho xã hội. Bất cứ công dân nào có tấm lòng nhân ái cũng đều muốn như vậy.
Ông sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, năm 1993, sau khi học nghề thành thạo, ông vào TP Vinh (Nghệ An) dạy may cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 1997, ông được mời về dạy may cho 20 trẻ khuyết tật, mồ côi ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Kết thúc khóa học nghề, các phụ huynh gặp ông than thở nhà nghèo nên không thể lo cho các cháu, mong ông tiếp tục cứu giúp để các cháu không thất nghiệp. Sau đó ông đã nhận cưu mang 20 đứa trẻ này, thầy trò dắt nhau đi thuê phòng trọ làm chỗ trú thân, lập nghiệp.
Những ngày đầu vì cuộc sống còn thiếu thốn nên ông Thực làm đủ mọi việc, việc gì ông cũng xắn tay vào làm từ nuôi lợn, làm đậu phụ, mua giấy loại, sắt vụn bán cho các đại lý thu gom phế liệu. Những năm 1998-1999, chính quyền địa phương tạo điều kiện giao ông Thực tiếp quản một mảnh đất, sau đó Trung tâm nhân đạo Nghệ An (nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An) ra đời.
Một thời gian sau, người dân địa phương hễ thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn là liên hệ để ông Thực đón về chăm sóc. Đối với những trường hợp bị bỏ rơi, không xác định được thông tin cá nhân, ông Thực đều tự mình đặt tên cho các con. Đến nay ông đã làm bố của hơn 200 đứa con.
Một thời gian sau, người dân địa phương hễ thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn là liên hệ để ông Thực đón về chăm sóc. Đối với những trường hợp bị bỏ rơi, không xác định được thông tin cá nhân, ông Thực đều tự mình đặt tên cho các con. Đến nay ông đã làm bố của hơn 200 đứa con.
Không lấy vợ để lo cho các con
Năm 2007, Trung tâm đã trở thành đơn vị trực thuộc của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An. Kể từ đó, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên cuộc sống của mọi người đã bớt đi phần nào những vất vả, thiếu thốn. Nhớ lại quãng thời gian gần 23 năm luôn tận tâm nuôi dạy, chăm sóc cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bố của hàng trăm đứa con này không lý giải nổi vì sao lại có động lực làm những việc như vậy.
Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, không có sữa mẹ nuôi dưỡng khiến các cháu liên tục ốm đau, bệnh tật và việc chăm sóc cũng vất vả hơn những đứa trẻ bình thường khác. "Bây giờ, tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, sống ngày nào sẽ cố gắng ngày đó để tiếp tục công việc hiện tại. Con cái mình phải thương, phải lo đến cùng. Cố gắng mỗi đứa trẻ phải có một công việc để đảm bảo cuộc sống riêng" - ông Thực tâm sự.
Dưới sự "chèo lái" của ông Thực và sự giúp đỡ của các cán bộ, nhân viên… những năm qua, đã có hàng chục ngàn học sinh thuộc con em nông thôn, vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách và đối tượng xã hội đặc biệt được trung tâm này đào tạo nghề như may công nghiệp, may dân dụng, tin học văn phòng. Trong quá trình đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ tích cực từ chính quyền sở tại, các tổ chức thiện nguyện xã hội.
Nhiều đứa trẻ tật nguyền, mồ côi, lang thang cơ nhỡ được các thầy cô tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An chăm sóc cẩn thận, được ông Thực bao bọc chở che. Các em được vui chơi, học hành như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhiều em đã lớn lên có công ăn việc làm ổn định, người thì đã lập gia đình. Hàng chục năm qua, những đứa con của ông Thực mỗi ngày lớn lên và trưởng thành.
Từ những sự trưởng thành ấy của các con, ông luôn mỉm cười và dõi theo chúng. Ai cũng bảo ông lo cho chúng ít thôi để lập gia đình, nhiều người khuyên ông lấy vợ để hưởng thụ cuộc sống của mình nhưng người đàn ông nhiều con này chỉ gạt đi và cười nói: “Đã lo cho các con thì phải lo cho đến cùng, tôi còn sống tôi còn phải lo cho chúng, tôi mà lấy vợ thì ai lo cho các con”.
"Các trường hợp được đưa về trung tâm đều có những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có, người già có. Đầu năm mới, tôi và mọi người sẽ ngồi lại để bàn các kế hoạch mới, rà soát các hoàn cảnh đặc biệt để đưa vào trung tâm nuôi dưỡng" - ông Thực nói.
Mới đây nhất, tháng 11-2020, ông Lê Trung Thực vinh dự góp mặt trong 400 "Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" được vinh danh./.