Thời tiết nóng dần nên giá cua cũng lên cao. Người bắt cua ở Yên Thành (Nghệ An) dù bận rộn nhưng có thêm thu nhập cho gia đình. Được biết, giá bán cua nhỏ từ 50.000 đồng/1kg, cua to 70.000 đồng/kg.


 
Do giá cua đồng tăng cao nên nhiều người dân chọn nghề bắt cua đồng làm nghề chính.
 
Những ngày này, giá cua đồng tăng cao nên nhiều người dân ở huyện Yên Thành,  đổ xô đi bắt cua. Theo ông Nguyễn Đăng Dương (57 tuổi, ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành), ngày trước hai vợ chồng chủ yếu đi làm nghề bóc vỏ keo thuê, nhưng vì quá vất vả và thu nhập bấp bênh nên đã bỏ nghề. Hiện hai vợ chồng ông chủ yếu mưu sinh bằng nghề bắt cua đồng.
 
"Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng tôi bắt được 8-10 kg, có ngày nhiều hơn tùy thuộc vào thời tiết. Khi các cánh đồng gần nhà đã hiếm cua thì tôi phải di chuyển đến các vùng xa hơn. Tuy đi xa một chút nhưng bắt được nhiều cua thì thu nhập sẽ cao hơn", ông Dương giải thích.


 
Để bắt được cua, người dân, các em nhỏ phải ngụp lặn dưới ruộng nước.
 
Chị Nguyễn Thị Vinh (ở thôn Hậu Thành, xã Tây Thành, huyện Yên Thành) cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bỏ đi từ lâu để lại chị cùng 3 đứa con nhỏ nên chị không có thu nhập gì ngoài nghề bắt cua đồng".
 
"Không chỉ đi bắt ban ngày, buổi tối 3 mẹ con tôi tranh thủ đi soi cua thêm. Mỗi ngày trung bình 3 mẹ con bắt được 5kg. Với giá thu mua từ 50 - 70.000 đồng/kg như hiện tại, tôi thu về từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày", chị Vinh cho biết thêm.
 
Việc bắt cua đồng không chỉ là việc của người lớn mà trẻ em cũng có thể làm. Có mặt tại cánh đồng xóm Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều người, trong đó có cả các em nhỏ ngụp lặn dưới ruộng nước, để tìm kiếm cua. 


 
Em Nguyễn Tấn Phát (15 tuổi) tranh thủ buổi chiều nghỉ học để đi bắt cua giúp bố mẹ. Mỗi buổi, em bắt được hơn 1kg cua. Em chỉ bắt ở cánh đồng gần nhà, còn bố mẹ đi xe máy qua các cánh đồng xa hơn.
 
"Giờ lúa đang trổ đòng nên bảo vệ không cho vạch lúa để bắt cua nên chúng em bắt được ít hơn trước nhiều. Trước lúc lúa trổ đòng cháu bắt được 2-3kg thì nay đi dọc bờ ruộng cũng chỉ được hơn 1kg. Số cua này đem về bỏ chung vào với cua bố mẹ đi bắt ở các cánh đồng khác để đi bán. Giá cua to, cua nhỏ cũng khác nhau nên về nhà cháu phải phân loại ra", Phát cho biết thêm.
 
Được biết, cua bắt được trong ngày đều được các thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Theo chị Trần Thị Giang - người thu mua cua trên địa bàn huyện Yên Thành - cho biết: "Hiện nay, thời tiết nóng nên giá cua cũng lên cao, cua nhỏ giá từ 50.000 đồng/1kg, còn cua to thì 70.000 đồng/kg. Người dân sau khi bắt cua về phân loại ra rồi bán cho chúng tôi".


 
Việc bắt cua đồng ngoài chuyện dầm mưa, dãi nắng còn bị cua kẹp thường xuyên.
 
"Cua nhiều bao nhiêu chúng tôi cũng mua hết. Số cua đó chúng tôi gom theo đơn đặt hàng của các đại lý ở Hà Nội và Hải Phòng để làm bún riêu, xay bột...".
 
Công việc bắt cua đồng đem lại một khoản thu nhập cho người nông dân, tuy nhiên, cũng nhiều vất vả, khó nhọc. Mỗi ngày, những người nông dân phải dậy từ sáng sớm, chuẩn bị cơm hộp rồi đạp xe hàng chục cây số đến những cánh đồng xa để bắt cua, trưa đến ngồi nghỉ ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc của mình.
 
Ngoài chuyện dầm mưa, dãi nắng còn bị cua kẹp thường xuyên hay bị say nắng ảnh hưởng đến sức khỏe...
 
Trao đổi với PV, bà Phan Thị An, Trưởng phòng LĐ -TB&XH huyện Yên Thành cho biết, do đặc thù ở đây đồng ruộng rất nhiều, công việc này không quá khó nên không chỉ người lớn mới hành nghề được mà trẻ em cũng có thể bắt cua kiếm tiền.
 
"Chưa có thống kê đầy đủ nhưng hàng năm nghề bắt cua đồng đã đem lại một khoản thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, nghề bắt cua đồng còn giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn", bà An cho biết thêm.




 
Một em nhỏ khoe chiến lợi phẩm của mình.

 
Giá thương lái thu mua cua đồng dao động từ 50.000- 70.000 đồng/kg.

 
Nghề bắt cua đồng đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

 
 Cua đồng là một trong những món ăn có lợi cho sức khỏe và được nhiều người ưa chuộng.