Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ…đã đem lại cho huyện ven biển Diễn Châu (Nghệ An) những sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường.
 
Đổi mới công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc
 
Thời gian qua, một tín hiệu vui cho người nông dân cũng như các cơ sở thu mua, chế biến lạc ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đó là lần đầu tiên, các doanh nghiệp ở nơi đây đã xuất được hơn 1.000 tấn lạc nhân theo đường chính ngạch, mở ra hướng phát triển mới cho mặt hàng lạc trên địa bàn.
 
Có được sự đột phá đó phải kể đến sự nỗ lực tự đổi mới đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ tới hơn 10 tỷ đồng cho quy trình chế biến. Nhờ vậy, không chỉ xuất khẩu lạc nhân mà các doanh nghiệp Diễn Châu đã đa dạng được sản phẩm như dầu lạc, dầu vừng, lạc hút chân không, lạc chế biến kem cho công ty sữa TH…
 
Xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) là một trong những vùng trồng lạc lớn ở địa phương. Với chất lượng đảm bảo nên lạc nhân của các doanh nghiệp đã được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao.
 
Theo ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty XNK Nông lâm sản Sỹ Thắng (xã Diễn Thịnh) cho biết: Hiện nay hệ thống máy xay, máy sàng, máy phân loại, máy sấy, máy rang đều được doanh nghiệp đầu tư để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên cũng chưa thể đầy đủ được, chúng tôi tiếp tục đầu tư hệ thống máy bắn màu, phải có hệ thống kho bảo quản đảm bảo chất lượng thì mới đáp ứng được sản lượng lớn của khách hàng.
 
Năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng hàng chục doanh nghiệp tại làng nghề chế biến nông sản Đông Kỷ (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) vẫn hoạt động khá nhộn nhịp. Thay cho việc làm thủ công từ vận chuyển, tuyển chọn, nhặt sạn thì bà con đã đầu tư máy guồng, máy xát, đánh bóng gạo hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng vừa giảm được chi phí, tăng được năng suất. chất lượng. Vì vậy thị trường của làng nghề không chỉ ở nhiều tỉnh trong nước mà xuất sang một số nước lân cận như Lào, Trung Quốc với sản lượng 200.000 tấn gạo/năm.
 
Bà Phạm Thị Hà, Chủ doanh nghiệp Hà Anh (xã Diễn Kỷ) cho biết: Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất đi khoảng 300 - 500 tấn gạo cả bán nội địa và xuất khẩu. Bây giờ khách hàng khó tính lắm, hạt gạo phải vừa trắng vừa sạch mà ngon mới đáp ứng được thị trường. Nên mình cố gắng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại hơn thì hạt gạo nó sẽ đảm bảo chất lượng.
 
 
Cánh đồng trồng lạc ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đem lại năng suất cao.
 
Nâng cao chất lượng sản phẩm
 
Là huyện ven biển, Diễn Châu là một trong những địa phương có lợi thế, tiềm năng khai thác hải sản rất lớn, trong đó phải kể đến các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Hải, Diễn Kim… Định hướng ưu tiên để nâng cao hiệu quả sau khai thác, các doanh nghiệp chế biến nước mắm, cá tôm và hải sản khô đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sấy, máy hút chân chân không để bảo quản sản phẩm trong các kho đông lạnh.
 
Đặc biệt phải kể đến Công ty CP Thủy sản Vạn Phần đầu tư dây chuyền đóng chai nước mắm công suất 10 lít/ngày đêm, dây chuyền đóng gói tôm nõn 500kg/ngày đêm. Nhờ đó, mỗi năm Diễn Châu chế biến đạt 6.925 tấn hải sản. Nước mắm Vạn Phần vượt qua các chỉ số khắt khe về chất lượng đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
 

 
Dây chuyển sản xuất hiện đại, ứng dụng KH-CN trong sản xuất nước mắm tại huyện Diễn Châu, Nghệ An
 
Ông Hoàng Ngọc Lân – Bí thư Chi bộ, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần cho biết, chúng tôi đã đầu tư 2 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính như Nhật Bản. Điều đặc biệt, Công ty chú ý đến việc đa dạng hoá sản phẩm, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Thực hiện đề án ứng dụng KHCN gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu hàng hóa, những năm qua Diễn Châu đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học tự sản xuất giống, nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ để hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao.
 
Từ đó, địa phương này đã hút hút, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp đầu tư 8 dây chuyền chế biến nông, thủy sản, giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm giá trị cao. Đến nay, đã có 7 sản phẩm được công nhận VietGap và 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao.
 
Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Mỗi năm Diễn Châu sản xuất 13.000 tấn lương thực, 41.000 tấn hải sản. Tuy đã có những khởi sắc ban đầu trong đầu tư công nghệ chế biến đối với các sản phẩm thế mạnh của huyện nhưng hiện nay hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gây thất thoát, giảm chất lượng, vì vậy việc ứng dụng KHCN rất cần được ưu tiên đầu tư.
 
“Ngành nông nghiệp của huyện đã đăng ký một đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn xây dựng thương hiệu mỗi xã 1 sản phẩm là cơ sở để chúng tôi đầu tư các dây chuyền ứng dụng KHCN chế biến, sản xuất các sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa”, ông Hiếu nói./.