Ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi đâu đó vẫn còn có những người dân tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, họ luôn thụ động trong mọi việc và không tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, tại Nghệ An lại có những hộ dân luôn có ý thức tự giác, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để chia sẻ cho những họ còn khó khăn hơn, tạo ra làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo của tỉnh.
Con Cuông là một huyện nghèo của tỉnh Nghệ An; nhưng từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Theo thống kê, tính đến tháng 10/2020, tại huyện nghèo này đã có 433 hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Điển hình là gia đình anh Kha Văn Tuất, sinh năm 1984 và vợ là chị Mạc Thị Đông trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn. Năm 2018, qua báo cáo kết quả cuộc kiểm tra rà soát, gia đình của xã, anh vẫn thuộc diện hộ nghèo. Nhưng trong đợt rà soát để bình xét hộ nghèo năm 2019, vợ chồng anh đã làm đơn xin rút.
Anh Tuất tâm sự, thời điểm mới lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh còn gặp nhiều khó khăn khi đất đai ít, nguồn vốn chưa có. Sau khi có phong trào thi đua, sản xuất, gia đình đã làm được nhà cửa khang trang, cuộc sống cũng khấm khá hơn nên đã quyết định viết đơn rút khỏi hộ nghèo .
Theo ông Vi Trung Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, địa bàn xã là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo, gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo vì vậy đã khơi dậy được ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân trên toàn huyện. Nhiều hộ dân đã nhận thức và thay đổi tư duy, hành động tự lực vươn lên thoát nghèo.
Thạch Ngàn được xem là nơi khởi xướng phong trào xin thoát nghèo của huyện Con Cuông, sau đó lan tỏa sang các xã: Lạng Khê, Châu Khê, Lục Dạ… Riêng năm 2019, tính đến hết tháng 10, trên địa bàn huyện Con Cuông đã có gần 20 hộ viết đơn thoát nghèo.
Từ Con Cuông, “cuộc cách mạng” bắt đầu lan tỏa sang các huyện Anh Sơn, Quỳ Châu. Không chỉ những gia đình có lao động trẻ mà cả những hộ neo đơn, già cả cũng tự nguyên xin thoát nghèo.
Trường hợp ông Phạm Viết Lĩnh, ở thôn Cẩm Thắng, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn là một trong số đó. Ở tuổi xưa nay hiếm (gần 100 tuổi), lại sống một mình nhưng ông vẫn tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Hiện, chi phí trang trải trong tháng của ông chỉ gói gọn trong số tiền trợ cấp người cao tuổi chưa đến 300.000 đồng. Trong lá đơn xin thoát nghèo ông, động lực viết đơn là để “làm gương cho con cháu vươn lên trong cuộc sống”.
Những lá đơn thoát nghèo
Phong trào tự nguyện xin thoát nghèo đã và đang là lực đẩy để tỉnh Nghệ An thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bởi thực tế, thời gian qua, chương trình giảm nghèo đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo. Một số nhu cầu thiết yếu như: Nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm... được đáp ứng; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của Nhân dân được nâng cao.
Tuy nhiên, giảm nghèo của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; do đó, tỉnh cần có thêm những động lực. Câu chuyện về những lá đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo ở vùng miền núi có đông đồng bào DTTS của tỉnh Nghệ An thực sự là “làn gió mới”./.