Ngay khi Nghị định số 19/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai, trong đó giao các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật, hàng năm, các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi tập huấn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật. Tính từ 1/10/2012 đến 1/10/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 362 lớp tập huấn nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật cho các đối tượng là lãnh đạo phụ trách, pháp chế các sở, ban, ngành; lãnh đạo, cán bộ tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các UBND cấp huyện, xã với 55.336 lượt học viên tham gia.
Đồng thời, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã xây dựng các chuyên đề về theo dõi thi hành pháp luật. Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành đã phát hành hơn 6.800 cuốn tài liệu, xây dựng các bài viết, chuyên đề về theo dõi thi hành pháp luật gửi đến các cơ sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, xã. Hàng năm, hình thức phổ biến giáo dục cũng được đa dạng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử, Website, Facebook, zalo… Trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành luôn cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật cũng như các hoạt động thi hành pháp luật nổi bật của các cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, để triển khai thực hiện nội dung kiểm tra, điều tra, khảo sát trong các kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật tại sở, ban, ngành, 21/21 UBND cấp huyện và 90 đơn vị cấp xã cũng như đơn vị trực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước. Thanh tra Nghệ An đã thực hiện 2.554 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra hành chính phát hiện sai phạm 589,5 triệu đồng và 277,7 ha đất; kiến nghị thu hồi 284,2 triệu đồng và 9,2 ha đất. Đến nay đã thu hồi về ngân sách nhà nước 280.253 triệu đồng và 9,2 ha đất. Qua thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính 1.040 tổ chức và 1.149 cá nhân có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 19 vụ việc.
Cùng với đó, thanh tra chuyên ngành các sở, ngành đã thực hiện 16.518 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 93.844 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện tổng số tiền vi phạm và kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước là 26.619 triệu đồng; ban hành 34.245 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 146.147 triệu đồng.
Cũng trong thời gian qua, toàn ngành đã thực hiện 850 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 1.891 đơn vị. Qua thanh tra kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 806 tổ chức và 3.225 cá nhân có sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ (các sai phạm chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian quy định).
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu tại tố cáo cũng được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Trong giai đoạn 2012-2022, các cấp, các ngành đã tiếp 54.640 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã giải quyết được 3.120/3.316 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,1%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và thu hồi về Ngân sách Nhà nước 7.064 triệu đồng, trả lại cho công dân 1.839,9 triệu đồng và 39.670 m2 đất.
Dù công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực, nên việc đánh giá mức độ tuân thủ chỉ mang tính hình thức và trên cơ sở nhận định chủ quan; một số cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chủ yếu là quán triệt tuyên truyền văn bản; công tác thanh tra, kiểm tra, khảo sát thực tiễn thi hành thực hiện chưa được nhiều…
Thời gian tới, để thực hiện tốt việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Luật theo dõi thi hành pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức rà soát hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong thực tiễn thi hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác theo dõi thi hành pháp luật cho các sở, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp các nội dung kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn…/.