Gặp rất nhiều khó khăn thời điểm đầu khởi nghiệp, nhưng bằng ý chí và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Đặng Thị Tâm đã biến những cánh đồng bỏ hoang, trở thành những cánh đồng "tiền tỷ". Hiện nay rất nhiều sản phẩm hữu cơ, sạch của chị đã chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Người phụ nữ giàu nghị lực
Xuất thân trong gia đình thuần nông, thủa nhỏ, do gia cảnh khó khăn chị Đăng Thị Tâm (SN 1983, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An) rất lận đận trên con đường học vấn. Nhưng bằng ý chí, cố gắng chị đã thi đậu và tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (thời điểm đó là Trường CĐ Kinh tế Nghệ An-PV).
Mầm lúa mạch được trồng trên các cánh đồng ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu nhằm chiết xuất ra tinh chất sản xuất sản phẩm mì mầm lúa mạch.
Sau khi tốt nghiệp, chị Tâm xin vào làm việc ở nhiều vị trí không đúng với năng lực và khả năng chuyên môn của mình. Trong một lần về thăm quê, chị rong ruổi khắp những cánh đồng ở xã Diễn Thành thì nhận thấy những người nông dân quê mình bỏ ruộng rất nhiều, bởi cách làm nông nghiệp truyền thống không đem lại kinh tế khá giả cho người nông dân. Từ đó chị ấp ủ ước mơ làm các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ trên chính những cánh đồng bỏ hoang này.
"Có thời điểm tôi có chứng kiến một hiện thực phủ phàng khi người nông dân thu hoạch bắp cải tại xã. Đem bán tại đồng ruộng 500 đồng/bắp nhưng không có ai mua. Nhìn những người nông dân chân lấm tay bùn mà chẳng thu nhập được là bao nhiêu, tôi cảm thấy chua xót. Lúc đó tôi nghĩ làm sao có thể vừa hướng dẫn người nông dân quê mình trồng rau sạch, hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm cho họ được, chứ sản xuất nông nghiệp như thế này nông dân không thể có kinh tế được...", chị Đặng Thị Tâm cho biết.
Sau nhiều năm ấp ủ, năm 2015, chị Đặng Thị Tâm đã cùng các cộng sự của mình thành lập Công ty Cổ phần An An Agri (đóng ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An) bắt đầu vào sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng sạch từ rau, củ, quả… Thời điểm này, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như thị trường tiêu thụ. "Thời gian đầu, do khó khăn về vốn tôi vay mượn và huy động vốn khắp nơi, nhiều người góp vốn cũng ngần ngại vì sợ làm nông nghiệp thời gian lâu mà lãi ít nên chỉ được mấy tháng là họ đòi rút vốn. Lúc này tưởng chừng như công ty phá sản; nhưng được sự động viên của gia đình, tôi tiếp tục cố gắng gồng mình để thực hiện ý tưởng của mình", chi Tâm nói.
Cải bó xôi - một loại raun hữu cơ được thu hoạch từ đồng ruộng để về sản xuất mì cải bó xôi.
Đến năm 2017, sau thời gian lận đận chị Tâm đã mạnh dạn thuê 2ha đất nông nghiệp bỏ hoang để đầu tư vào trồng cải bó xôi, mầm lúa mạch; đặt hàng thu mua của những người nông dân trồng mè đen, sâm cát, thảo dược... để về chế biến sản xuất tinh bột như mì cải bó xôi, mì mầm lúa mạch, mì mè đen, mì sâm cát, mì thảo dược...
Giới thiệu cho chúng tôi dạng bột thô từ mầm lúa mạch, chị Đặng Thị Tâm cho biết, quá trình xử lý, cho ra sản phẩm này cũng rất tỉ mỉ, vừa xử lý bằng tay và qua hệ thống máy móc công nghệ; sau đó đưa vào máy sấy lạnh để sấy rồi quá trình nghiền cho ra thành phẩm. Còn đối với dạng tinh chất lúa mạch thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được (dạng tinh chất 1 tấn mầm lúa mạch chỉ cho ra 1kg tinh chất - PV), vì thế chất lượng sản phẩm đảm bảo nhưng giá thành rất cao.
Sản phẩm mì mầm lúa mạch được sấy khô chuẩn bị đóng gói.
Để đảm bảo các sản phẩm chất lượng, công ty không ngừng trang bị các thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ. "Chúng tôi luôn chú trọng khâu trồng và chế biến. Hiện nay công ty đang duy trì hơn 2 ha mầm lúa mạch, sắp tới hướng mở thêm 1ha để tạo nguồn cung cấp đáp ứng được khâu sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước", chị Tâm cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm của Công ty CP An An Agri đã tạo được uy tín, thương hiệu cho người dùng. Các sản phẩm như: Bột lúa mạch, tinh chất lúa mạch, bột lúa mạch hòa tan, mầm lúa mạch, bánh, cốm… luôn đảm bảo chất lượng, đặc biệt những sản phẩm của chị từ khâu trồng trọt đến chế biến ra sản phẩm đều có sự hướng dẫn chuyên môn của chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Vươn ra thị trường thế giới
Trao đổi với Dân Việt, chị Đặng Thị Tâm - Công ty Cổ phần An An Agri cho hay: "Hiện nay công ty đã thuê được hơn 13ha đất nông nghiệp để trồng các loại sản phẩm như lúa mạch, các loại rau làm mì sợi, các loại củ, mè đen, sâm cát, thảo dược...Với từng đó diện tích, công ty đã cho ra đời 12 sản phẩm sạch hữu cơ mà 2 sản phẩm chủ đạo là mì cải bó xôi và mì tinh chất mầm lúa mạch...".
Các khâu chế biến ra các sản phẩm mì hữu cơ đều phải qua quy trình kiểm định gắt gao mới có thể đóng gói cho ra thị trường.
Được biết, hiện các sản phẩm như mì cải bó xôi và mì tinh chất mầm lúa mạch là 2 sản phẩm chủ đạo được xuất khẩu sang thị trường khó Nhận Bản; ngoài ra hiện tại Hà Nội, Sài Gòn, TP Vinh… đã nhà phân phối các sản phẩm của công ty tới các siêu thị, nhà hàng để đến tay người tiêu dùng.
Hiện tại công ty cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động và 100 lao động theo thời vụ. Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến thất thường, doanh nghiệp cũng lao động sản xuất cầm chừng nên doanh thu của công ty chưa có lãi. Dự kiến sang năm khi các sản phẩm chủ đạo và mới chuẩn bị tung ra thị trường thì doanh nghiệp ước tính đạt 10 tỷ đồng/ năm.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đánh giá, chị Đặng Thị Tâm là một cá nhân đam mê và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, giúp đỡ người nông dân, là người có trách nhiệm với cộng đồng trên nền tảng phát triển kinh doanh để tìm hướng đi đúng với ngành nghề.
Các sản phẩm mì hữu cơ được đóng gói chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp rất đáng khuyến khích, tuy nhiên trước đây khi mới bước vào làm, chị Tâm cũng gặp rất nhiều vất vả, khó khăn. Sau khi tìm đến Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, chúng tôi đã hỗ trợ, định hướng cho đơn vị không làm nguyên liệu thô nữa mà nên chế biến sâu.
"Chúng tôi đã tư vấn hỗ trợ công nghệ chế biến sâu đó là làm tinh bột, tinh chất từ mầm lúa mạch tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Bước đầu sản phẩm đã có chỗ đứng trong thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đơn vị về khoa học, công nghệ để tiếp tục mở rộng thị trường sản xuất trong thời gian tới", ông Linh nói./.