Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến các Sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt đối với lực lượng dân phòng và các ngành chức năng có liên quan về nội dung Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai và áp dụng các nội dung tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 gắn với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trong đó hướng dẫn cụ thể việc thành lập, kiện toàn Đội dân phòng tại các thôn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh. Tham mưu dự trù kinh phí mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo định mức và hướng dẫn trang bị phương tiện chữa cháy đối với các Đội dân phòng theo quy định. 

UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các Đội dân phòng trên địa bàn chủ động thực hiện hiệu quả công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị, địa bàn được giao quản lý; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu chữa hiệu quả các vụ cháy, nổ theo phương châm “4 tại chỗ”. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tại các đơn vị, địa phương, bảo đảm được huy động, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định và phát huy hiệu quả. 

UBND tỉnh giao Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng dân phòng và các ngành chức năng có liên quan về nội dung Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13. Hàng năm, trên cơ sở tình hình thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, căn cứ nội dung chính sách tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 để phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh dự toán và phân bổ kinh phí hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng; chủ trì tham mưu việc rà soát, mua sắm các trang thiết bị PCCC đối với Đội dân phòng các địa phương từ nguồn ngân sách của tỉnh. 

Đồng thời, chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Công an các huyện, thành, thị thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với lực lượng dân phòng trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, trình độ, khả năng xử lý tình huống và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị được trang cấp phục vụ công tác chữa cháy. Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13; tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. 

Hàng năm, Sở Tài chính phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách giao đầu năm để hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng thuộc đối tượng của Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13. Phối hợp kiểm tra việc bố trí kinh phí phân bổ đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy tại các đơn vị, địa phương. 

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, thành lập, kiện toàn Đội dân phòng tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm kinh phí, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, khối, xóm, bản nơi có trụ sở cơ quan hành chính cấp xã theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng bảo đảm ngân sách địa phương, quan tâm hỗ trợ thêm về vật chất cho lực lượng dân phòng và bố trí thêm các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí thường xuyên đối với Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng được thành lập tại thôn, khối, xóm, bản nơi có trụ sở cơ quan hành chính cấp xã và việc quản lý sử dụng, phương tiện chữa cháy được trang cấp. /.

Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn