Ngày 04/01/2021, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 12/UBND-VX về việc triển khai "mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà” gửi Sở Y tế, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền Thông, Bảo hiểm xã hội, các sở, ban, ngành và đơn vị cấp tỉnh, Trường Đại học Y khoa Vinh và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Theo đó, UBND tỉnh thống nhất đề xuất của Sở Y tế triển khai thí điểm mô hình Trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid - 19 tại nhà.
Theo văn bản: Các chi phí tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày điều trị tại nhà (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) do người dân tự chi trả.
Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ các loại kinh phí, gồm: thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế thiết yếu trực tiếp phục vụ điều trị; kinh phí xử lý rác thải, phun khử khuẩn; xét nghiệm cho các đối tượng cách ly... Chế độ, chính sách cho bệnh nhân và lực lượng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân theo quy định. Các chi phí có liên quan khác phát sinh trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Ngân sách thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò đảm bảo chi phí có liên quan khác còn lại gồm đảm bảo cơ sở vật chất của Trạm y tế lưu động; chế độ cho lực lượng hỗ trợ tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch của Trạm y tế lưu động (ngoại trừ đối tượng trực tiếp điều trị bệnh nhân); chi phí vận chuyển... Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm y tế.
UBND tỉnh giao Sở Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động; chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động; xây dựng điều kiện kích hoạt Trạm Y tế lưu động căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn; chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có liên quan xây dựng phương án, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động (khi có yêu cầu) như bố trí nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác; kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các đơn vị.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và cấp nguồn kinh phí triển khai thực hiện Trạm Y tế lưu động theo quy định; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải tại các điểm lưu giữ tại cổng hộ gia đình có người điều trị Covid-19, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm theo quy định.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền về các nội dung của Hướng dẫn triển khai Trạm Y tế lưu động quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà; tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nội dung tự theo dõi và chăm sóc tại nhà, tự phát hiện các triệu chứng nghi mắc Covid-19 báo cho cán bộ y tế; tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc Covid-19 đang theo dõi điều trị tại nhà tiếp cận và sử dụng các dịch vụ về thông tin và truyền thông hiệu quả.
Giao Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện bổ sung hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và Trạm Y tế lưu động.
UBND thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phổ biến và triển khai quy trình xử lý người mắc Covid-19 tại cộng đồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn theo đúng hướng dẫn và quy định hiện hành.
Sở Y tế Nghệ An cũng đã tổ chức họp bàn triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà; xây dựng hướng dẫn tạm thời triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động.
Theo đó, mỗi xã/phường tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò phải bố trí 01 Trạm Y tế lưu động; thực hiện trưng dụng 1 đến 2 phòng của Trạm Y tế xã/phường để bố trí nơi làm việc cho Trạm Y tế lưu động. Về nhân lực, ngoài nhân lực làm công tác chuyên môn, UBND xã/phường thành lập Tổ chăm sóc người mắc Covid-19. Tổ ít nhất có 02 người, mỗi tổ quản lý từ 10 - 20 người mắc Covid-19 được điều trị tại nhà.
Những F0 được điều trị tại nhà là những người có độ tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi; chưa phát hiện bệnh lý nền; đã tiêm đủ liều vắc-xin; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường. Người chăm sóc cho đối tượng mắc Covid-19 dưới 16 tuổi hoặc không có khả năng tự sinh hoạt nếu có nguyện vọng.
Những F0 không được điều trị tại nhà là phụ nữ mang thai; trẻ em dưới 16 tuổi có nguyện vọng nhưng không có người chăm sóc hoặc người chăm sóc đang mắc các bệnh lý nền.
Cơ sở vật chất để các F0 được điều trị tại nhà phải đáp ứng yêu cầu: Nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư mà người mắc Covid-19 đăng ký thường trú, tạm trú; có phòng hoặc nhà riêng và khu vệ sinh riêng dành cho người mắc Covid-19... Trong phòng bệnh nhân, trước cổng nhà phải có thùng đựng chất thải màu vàng. Nhà không được dùng điều hòa trung tâm, phải có đồ dùng ăn uống riêng cho người bệnh...
Theo PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp, việc cách ly, theo dõi và điều trị cho người mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà là rất phù hợp, hiệu quả. Trước mắt việc điều trị cho người mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà chỉ áp dụng tại 02 địa phương thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò – nơi có đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
Sở Y tế đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà. Trong quá trình vận hành, Sở Y tế thực hiện theo dõi, giám sát và hỗ trợ về mọi mặt./.