Sau 700 năm vang bóng, giờ nghề đóng tàu thuyền ở làng nghề Trung Kiên Nghi Thiết, Nghi Lộc (Nghệ An) đang khó khăn từ nguồn vốn, nguyên liệu cho tới nguồn hàng... nhưng những người thợ của làng nghề vẫn cần mẫn, kiên trì dẻo dai duy trì nối nghiệp cha ông.
 
Bắt đầu từ công việc sửa chữa, đóng mới, người thợ ở Trung Kiên bằng kinh nghiệm đã tự đóng được những con tàu tới 1.200 mã lực phục vụ ngư dân bám biển dài ngày. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, năm 2003, Hợp tác xã (HTX) đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập. Đến nay, HTX có 39 thành viên với hơn 300 lao động. Trung bình, mỗi năm có khoảng 80 – 100 con tàu từ đây tỏa ra các vùng biển kéo dài từ Bắc đến Nam.
 
“Từ xa xưa, làng được giao nhiệm vụ đóng thuyền Rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. Những người thợ “tay rìu, tay búa” ở đây đã đóng hàng ngàn, hàng vạn chiếc tàu, thuyền. Nơi nào có nghề biển hầu như đều có bóng dáng tàu thuyền và thợ làng Trung Kiên. Làng đã đóng tàu cho Trung Quốc, Thái Lan, Lào và đặc biệt tu sửa hàng chục chiếc “Tàu Không số” trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ”- ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên tự hào.
 
Ông Võ Thế Xâm (64 tuổi) - chủ một trong những xưởng đóng tàu gỗ lớn nhất ở Trung Kiên - cho biết, vào những năm 2016-2017, thời kỳ hoàng kim của nghề đóng tàu vỏ gỗ, làng Trung Kiên có tới 40 cơ sở đóng tàu gỗ hoạt động hết công suất. Nhưng giờ đây, nghề biển gặp khó khăn, hải sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt cùng với chủ trương đánh bắt đang hướng đến xa bờ với nhiều ưu đãi cho những tàu có công suất lớn, hiện đại bằng vỏ thép… vì vậy, nhiều ngư dân không còn tha thiết đầu tư đóng mới thuyền vỏ gỗ. Thực trạng này đã khiến cho các xưởng đóng thuyền gỗ ngày càng vắng khách; các xưởng đóng thuyền gần như không còn hoạt động, nhiều thợ đã bỏ nghề do không có việc. “Nhìn xưởng trơ trọi buồn lắm”- ông Xâm tâm sự.
 
Trăn trở về làng nghề, ông Nguyễn Gia In tâm sự, sinh ra giữa vùng biển, vang danh làng nghề mà giờ lại đứng trước nguy cơ mai một, thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận.
 
“Với những người thợ đóng tàu giỏi, thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập cũng xem là cao nhưng để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình hàng ngày nên cũng chẳng có mấy đồng tích lũy. Trong khi đó, xuất khẩu lao động lại giúp họ “tròn vốn’’ khi trở về. Bởi vậy nhiều người, đặc biệt là thanh niên vẫn thích xuất khẩu lao động sang nước ngoài hơn là gắn bó với nghề của cha ông…” - ông In đau đáu cho biết, những năm gần đây làng nghề gặp khó, 2-3 năm không đóng thêm được chiếc tàu nào, một số thành viên trong HTX cũng đã đề xuất giải thể HTX.
 
Theo ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An, hiện làng nghề Trung Kiên đang gặp muôn vàn khó khăn vì Luật Thủy sản 2017 tàu đóng mới vỏ gỗ không còn được khuyến khích. “Chúng tôi cũng động viên bà con chuyển đổi ngành nghề sang làm mộc, sửa chữa… bên cạnh đó tập trung quảng bá cho bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh biết đến tên tuổi, chất lượng, hình ảnh của làng nghề để từ đó có thêm đơn hàng mới.” - ông Lương chia sẻ./.