Hợp tác xã Trường Sơn được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê hơn 8.000m2 đất đắc địa tại phường Cửa Nam, TP Vinh. Tuy nhiên, sau khi tự nguyện giải thể, đơn vị này được bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tài sản với số tiền gần 8 tỷ đồng, khiến nhiều ý kiến cho rằng, có dấu hiệu thất thoát số tiền trên.
 
Ký bằng dấu hết hạn
 
Khu đất có diện tích hơn 8.000 m2 tại phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An cho Hợp tác xã (HTX) Trường Sơn thuê sử dụng từ năm 1962. Đến ngày 14/11//2011 HTX này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất nói trên. Tháng 5/2012, HTX Trường Sơn giải thể tự nguyện do quá trình sản xuất, kinh doanh thua lỗ, tài sản có cơ cấu lớn, nhưng không phát huy hiệu quả, nợ tồn đọng. Khu vực sản xuất không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Toàn thể các xã viên đã đồng ý giải thể HTX, nhận tiền đền bù tài sản để giải quyết công nợ và quyền lợi của xã viên.
 
Mặc dù HTX Trường Sơn đã giải thể tự nguyện, nhưng chưa làm thủ tục trả lại đất cho nhà nước quản lý, chưa nộp con dấu mà chỉ nộp giấy chứng nhận kinh doanh của HTX cho cơ quan chức năng. Mặt khác, lợi dụng con dấu hết hiệu lực, ngày 10/5/2014, ông Bùi Anh Tuấn, nguyên Chủ nhiệm HTX Trường Sơn đã có Văn bản số 37 gửi các ban, ngành đề nghị thu hồi đất triển khai dự án.
 
Sau đó, UBND phường Cửa Nam, UBND TP Vinh, Sở TNMT có văn bản tham mưu để UBND tỉnh ra Quyết định 294 về việc thu hồi 8.238m2 đất của HTX Trường Sơn để thực hiện Dự án xây dựng Cụm dân cư  Trường Sơn và mở rộng đường theo quy hoạch. Phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) được UBND TP Vinh lập để thực hiện dự án. Đến ngày 16/12/2014, Sở TNMT có văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường.
 
Tiếp đó, ngày 24/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 777 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án Cụm dân cư Trường Sơn với số tiền 8,289 tỷ đồng (trong đó giá trị bồi thường, hỗ trợ cho HTX Trường Sơn là 8,212 tỷ đồng).
 
Sau khi xem xét hồ sơ, liên ngành Tài chính, Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh ghi thu, ghi chi số tiền 7,775 tỷ đồng cho Công ty Tiến Lực (đơn vị được giao diện tích đất nói trên để làm thủ tục xin đầu tư Dự án Cụm dân cư Trường Sơn).
 
Ngày 4/6/2015, UBND tỉnh ra Quyết định 2277 phê duyệt số tiền bồi thường GPMB, được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án 7,775 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An cho thấy, có dấu hiệu thất thoát gần 8 tỷ đồng trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tài sản cho HTX Trường Sơn khi xây dựng Dự án Cụm dân cư Trường Sơn.
 
Quan điểm trái chiều
 
Báo cáo của Đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An cho thấy, HTX Trường Sơn giải thể tự nguyện từ năm 2012 nên việc thu hồi đất phải thực hiện theo Điều 38 Luật Đất đai 2003. Tài sản trên đất của HTX Trường Sơn đã được Công ty Tiến Lực thỏa thuận đền bù vào năm 2012. Do đó, nhà nước không phải bồi thường GPMB đối với tài sản trên thửa đất bị thu hồi.
 
Theo Thanh tra, ông Lê Trung Chính - Giám đốc Công ty Tiến Lực đã xác nhận không đúng về tài sản trên đất phải đền bù khi Công ty đã trả tiền cho HTX Trường Sơn mà tài sản này đã được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty Tiến Lực từ tháng 12/2012. Ông Bùi Anh Tuấn - nguyên Chủ nhiệm HTX chậm xử lý các nội dung sau giải thể, không báo cáo tài sản trên đất.
 
Cũng qua báo cáo này, các nguyên cán bộ phường Cửa Nam xác nhận việc sử dụng đất của HTX và khi HTX giải thể phải trả lại đất cho Nhà nước. Trong khi đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh đã xác nhận tờ trình thẩm định phương án bồi thường GPMB cho HTX, lập phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án khi HTX đã giải thể.
 
Ngoài ra, còn có một số cá nhân liên quan sai phạm như xác nhận, thẩm định việc đền bù hỗ trợ GPMB cho HTX. Theo Báo cáo số 183 ngày 12/4/2021, Đoàn thanh tra nêu quan điểm có dấu hiệu làm thất thoát số tiền đền bù GPMB và khấu trừ vào tiền sử dụng đất bằng hình thức ghi thu, ghi chi với số tiền 7,775 tỷ đồng.
 
Bởi lý do, HTX Trường Sơn đã tự nguyện giải thể, UBND TP Vinh phải ban hành quyết định thu hồi đất, giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Tuy nhiên, UBND TP Vinh đã không ban hành quyết định thu hồi đất. Tại thời điểm nhà nước thu hồi đất, HTX Trường Sơn đã giải thể và không còn tài sản trên đất. Toàn bộ tài sản đã thuộc về Công ty Tiến Lực. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân liên quan đã tham mưu thực hiện dự án theo hướng ngân sách nhà nước phải chi trả số tiền hỗ trợ, bồi thường hơn 7,7 tỷ đồng cho HTX Trường Sơn.
 
Trái với Báo cáo thanh tra nói trên, trong Văn bản số 2681 ngày 25/11/2020 của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) lại cho rằng: Nếu thu hồi đất do HTX Trường Sơn giải thể thì phần giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất của HTX Trường Sơn phải căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 35 Nghị định 181/2004 NĐ-CP để giải quyết hoàn trả.
 
Cụ thể, theo Tổng cục Quản lý đất đai nhấn mạnh: “UBND tỉnh Nghệ An thu hồi đất HTX Trường Sơn theo khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Đến ngày 24/12/2014, tỉnh phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo điều khoản chuyển tiếp tại khoản 4 Điều 34 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì HTX Trường Sơn được bồi thường chi phí đầu tư vào đất, được bồi thường về giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất theo điểm c khoản 1 Điều 76, khoản 1 Điều 82 và khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013”. Được biết, sự việc đang được thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xin chỉ đạo Thường trực Tỉnh ủy xử lý.