Có liệt sĩ hy sinh 91 năm mới được công nhận
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý xúc động cho biết, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Trong thời gian qua, đã có hơn 14 nghìn hài cốt liệt sĩ thuộc các tỉnh, thành trong cả nước và liệt sĩ hy sinh tại nước bạn Lào được quy tập, đưa về an táng ở các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nhiều liệt sĩ hy sinh sau hơn 80 năm, có liệt sĩ hy sinh đã 91 năm, nay được xác nhận qua hồ sơ tồn đọng, điều đó thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, đạo lý nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.
Sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Trong đợt trao bằng Tổ quốc ghi công này có cụ Phạm Khánh (SN 1869), tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cách mạng cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27/9/1931 (hơn 90 năm).
Liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội. Các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp là Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu...
Giải quyết hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước, vì nền hòa bình và ấm no của dân tộc là vô cùng to lớn.
Đây cũng là động lực để cán bộ, nhân viên ngành LĐ-TB&XH cần phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn...
“Nhiều trường hợp liệt sĩ hi sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bộc bạch.
Theo QĐ 408/QĐ-LĐTBXH năm 2017 đến nay đã giải quyết trên 7000 hồ sơ tồn đọng, trong đó có hơn 2.400 hồ sơ liệt sỹ, trên 2.700 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Rà soát để người có công được hưởng chính sách
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hàng triệu người con ưu tú, anh dũng của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, không quản ngại thân mình, xông pha nơi chiến trường, dầm mình trong mưa bom, bão đạn để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn khắc cốt, ghi tâm và biết ơn sự hi sinh cao cả của những người dân, người chiến sỹ…
Đặc biệt, kể từ năm 1947, khi ngày 27/7 được chọn làm “Ngày Thương binh” theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong suốt 75 năm qua.
“Nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc và những nhân chứng lịch sử đã không còn... đang được đẩy mạnh.
Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng, tập trung của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng…” - ông Huệ nêu rõ.
“Chúng ta, những thế hệ đi sau, xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất rằng: Tổ quốc và Nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xúc động nói./.