a-1664596595.jpg
Lực lượng cứu hộ đưa người dân xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: QĐ

Ngày 1.10, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, vừa ban hành Công điện số 25 chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28.9 đến ngày 30.9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500mm, có nơi cao hơn như Thanh Chương: 512mm, Quỳnh Lưu: 605mm.

b-1664596616.jpg
Nhiều địa phương ở Nghệ An chìm trong biển nước. Ảnh: QĐ

Mưa lớn trên diện rộng ở nhiều địa phương đã gây ngập lụt, sạt lở đất và thiệt hại rất lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân, làm 7 người chết, một số công trình đê điều, hồ đập thủy lợi đã xảy ra sự cố, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở, 17.489 ngôi nhà bị ngập.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, sở, ngành kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách, hộ khó khăn. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ có nhà bị đổ, trôi, hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, khát.

c-1664596639.jpg
Mưa lũ gây ngập trên diện rộng tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: QĐ

Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới; nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu. Đồng thời, nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.

Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp và khôi phục sản xuất ngay sau thiên tai; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du./.