Để chủ động đối phó với dịch COVID-19 và đảm bảo duy trì phát triển xuất nhập khẩu, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành thường xuyên cập nhật kịp thời, đánh giá sâu sát tác động của dịch bệnh đối với thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc và với các đối tác trên thế giới của doanh nghiệp Nghệ An.
 
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tác động không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành xuất nhập khẩu, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời tác động của dịch bệnh, chăn nguy cơ mất cân đối về xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế để hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường.
 
Theo đó, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và các ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc để ổn định thị trường; Theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trong tỉnh, không để bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. 
 
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng của nông sản Nghệ An. Sức mua của thị trường này giảm, sẽ tác động đến trên cả hai góc độ. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mà còn có tác động gián tiếp khi hàng hóa của các nước có xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc nay bị chững lại do dịch bệnh sẽ tìm kiếm các thị trường khác và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
 
Giải pháp trước mắt, Sở NN&PTNT Nghệ An đang chỉ đạo các doanh nghiệp, người sản xuất  đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm “tinh” hơn để tiêu thụ, xuất bán sang các thị trường khác. Củng cố, tận dụng các kho dự trữ, cấp đông, khuyến khích thương lái thu mua các mặt hàng nông, thủy sản còn lại để bảo quản, lưu trữ tại kho lạnh, tiêu thụ dần, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ chính ngạch. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại để bày bán và đẩy mạnh tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…
 
Về lâu dài, chỉ đạo, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất sạch để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính. 


 
Trung Quốc đang là thị trường lớn trong xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Nghệ An
 
Tính đến thời điểm này, qua khảo sát sơ bộ của Sở Công Thương Nghệ An, một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đi qua đường thủy vẫn hoạt động bình thường, tác động hủy đơn hàng do dịch Covid-19 chưa có, các đơn hàng khá ổn định, đơn cử như các mặt hàng: Dăm gỗ, đá các loại, hàng thủy sản. Tuy nhiên, đã có việc chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng trong ngắn hạn ở một số doanh nghiệp.
 
Thời gian tới dệt may, xơ sợi dệt các loại là một trong những ngành được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trung Quốc là thị trường cung cấp 40-50% nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp ở Nghệ An. Hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đều tính toán để sản xuất đủ trong 3 tháng nên vẫn chưa ảnh hưởng nhiều. Nếu đến cuối tháng 3, tình hình dịch chưa được cải thiện, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
 
Để doanh nghiệp được biết nhằm nắm tình hình và chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương Nghệ An đã cập nhật tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu ở các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn…
 
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đánh giá lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (tinh bột sắn, hoa quả tươi, dệt).
 
Ông Cao Song Điệp - Trưởng phòng kế hoạch, Ngân hang Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh trên địa àn cân đối nguồn vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn phuc vụ sản xuất, kinh doanh. Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hang đang vay vốn tại đơn vị do ảnh hưởng của dịch COVD-19, nhất là những ngành có hiều ảnh hưởng như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khan cho khách hang như cơ cấu lại thời gian tra nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo đúng quy định pháp luật hiện hành.


 
Ngành dệt may Nghệ An vững tin vượt qua khó khăn mùa dịch COVID-19
 
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đánh giá lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (tinh bột sắn, hoa quả tươi, dệt may,…) để xây dựng phương án hỗ trợ (lãi suất, hạn mức tín dụng, gia hạn nợ…) cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn.
 
Về phía doanh nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An khuyến cáo cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương gặp khó khăn, từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh. Doanh nghiệp cần chủ động xem xét lượng nguyên vật liệu tồn kho đảm bảo sản xuất và tìm kiếm thêm những nhà cung cấp khác trong cùng hạng mục để dự phòng theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh.