Chị Nguyễn Thị Hồng – Tiểu thương bán kẹo bánh ở đình Tây chợ Vinh vừa ngồi bán hàng nhưng vừa thấp thỏm lo lắng không biết nên nhập hàng hoá như thế nào để bán tết. Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, chị Hồng lo không biết nếu nhập về nhiều có bán được hay không. Vì thời điểm này chỉ một số ki ốt dọn hàng số còn lại vẫn không mặn mà gì kinh doanh trở lại.
“Tình hình buôn bán năm nay giảm nhiều, hàng hoá không đều như trước, trước đây đủ 90% các mặt hàng thì nay chỉ còn 40-50%. Hàng nhập ngoại cũng chưa có và cũng chưa có ai chào mời nên chủ yếu bán hàng nội địa. Các ki ốt hiện đang chờ đến tháng sau xem tình hình có cải thiện hay không”, chị Hồng bày tỏ,
“Một số đại lý, nhà sản xuất đã bắt đầu chào hàng các loại bánh kẹo, mứt Tết nhưng tôi đang chần chừ chưa dám đặt. Vì nếu đặt hàng mà gần tết dịch diễn biến phức tạp sợ trở tay không kịp. Tôi đợi thêm đến cuối tháng, xem tình hình dịch được kiểm soát thế nào, cũng như xem sức mua của người dân ra sao thì mới dám tính tiếp. Vì lâu nay lượng khách đến chợ ít lắm. " - chị Hồng phân vân.
Kinh doanh hơn 20 năm ở chợ Vinh nhưng bà Trần Thị Mai – chủ ki ốt bánh kẹo, mứt thời điểm này cũng chần chừ nhập hàng Tết, vì lo khó tiêu thụ. Sau giãn cách, doanh thu của ki ốt đã giảm 70-80%, chỉ có một số khách quen ghé mua nhưng lượng hàng không nhiều nên kế hoạch trữ hàng Tết sớm cũng tạm gác lại.
Việc buôn bán càng thêm khó khăn khi giá các loại hạt dinh dưỡng, trái cây sấy, ô mai đều tăng từ 10-15%, chi phí vận chuyển cũng tăng hơn so với trước đây.
“Các năm trước cứ đầu tháng 11 khách đã bắt đầu đi hỏi giá để nhập hàng Tết, nhưng nay Tết đang đến gần mà chưa thấy ai gọi hỏi. Tôi không dám nhập hàng nhiều vì sau đợt dịch vừa qua buôn bán ế nhiều, nếu nhập hàng mà không bán được cũng phải bỏ, mặt hàng Tết không để được lâu, chỉ 1-2 tháng là hỏng và phải bỏ thì sẽ mất cả vốn...” bà Mai nói.
Tâm trạng lo lắng của chị Hồng, bà Mai cũng là tâm trạng lo lắng chung của nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống ở Nghệ An hiện nay. Vì muốn có hàng tết bán sớm và giá hợp lý thì phải cọc một lượng lớn tiền để mua trước hàng, lỡ dịch bệnh bùng phát, chợ đóng, tiểu thương ở tình thế tiến cũng không được mà lùi cũng không xong. nhập hàng về lo không bán được, mà trả hàng thì mất tiền đã đặt cọc.
Tiểu thương ngành hàng quần áo, thời trang cũng chung tâm trạng lo âu vì dự đoán sức mua Tết sẽ rất thấp. Bà Vinh - tiểu thương ngành hàng quần áo thời trang chợ Ga Vinh cũng lo lắng: “Mở bán trở lại cho có việc làm chứ rất vắng khách mua. Do dịch bệnh, khách hàng đều thắt chặt chi tiêu, họ chỉ mua những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn quần áo, giày dép…ít khách qua lại lắm.”.
Theo Ban quản lý chợ Vinh - mùa Tết năm 2021, sức mua tại chợ đã giảm gần 50% so với trước đây. Trong khi năm nay dịch bệnh kéo dài, sức mua chắc chắn còn giảm hơn. Thời gian qua, nhiều tiểu thương cũng chuyển qua bán online nhưng cũng không nhiều khách. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, lượng hàng hóa nhập về chợ bán bán rất chậm và hàng đang rớt giá.
Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng ban quản lý chợ Vinh cho hay, chợ Vinh là chợ lớn nhất ở Nghệ An, hàng ngày có rất nhiều tài xế từ khắp các tỉnh, thành đưa hàng vào chợ. Do vậy, công tác kiểm soát dịch đối với những tài xế đưa hàng vào dịp này đang được Ban quản lý chợ và cơ quan chức năng kiểm tra chặt.
"Về tình hình dịch bệnh, chợ vẫn thông tin cập nhật thường xuyên cho bà con tiểu thương và người dân đến chợ biết. Đồng thời, Ban Quản lý chợ phối hợp cùng ngành y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19 của các tài xế chở hàng từ các tỉnh về, nhất là tài xế từ phía Nam ra hay ngoài Bắc ở các khu vực đang có dịch." - ông Đắc cho biết.
Còn tại chợ Ga Vinh - ông Lê Vĩnh Hùng - Trưởng Ban quản lý nhìn nhận, “phần lớn tiểu thương hiện nay đều e dè khi kinh doanh trở lại. Tình hình năm nay khó khăn, chắc chắn lượng hàng hóa nhập vào, bán ra tại chợ sẽ giảm. Các tiểu thương đều hi vọng các tháng cuối năm, tình hình buôn bán sẽ cải thiện để có chi phí trang trải cho hàng hoá, nhân công và tiền thuê quầy”.
Dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến sức mua, nên không chỉ tiểu thương gặp khó với hàng Tết, mà nhiều công ty, cơ sở chế biến cũng phải cân nhắc lượng hàng hoá để đảm bảo tiêu thụ, chọn cách hoạt động cầm chừng, chờ tín hiệu khả quan từ thị trường và khách hàng./.