Hệ thống trường phổ thông Dân tộc nội trú tại Nghệ An đã phát huy được vai trò giáo dục, chăm sóc toàn diện học sinh. Đây cũng là những cái nôi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.
Chiều 26/10, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1640/QĐ – Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện của các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện miền núi và các trường THPT , đóng trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án 1640 về phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT
Tại Nghệ An, việc triển khai đề án 1640 được thực hiện theo 2 giai đoạn 2011 – 2015, 2916 – 2020. Qua 10 năm triển khai, toàn tỉnh từ 1 trường đã phát triển thành 8 trường PT DTNT với 105 lớp học và 2.774 học sinh (gồm 2 trường THPT và 6 trường THCS ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn).
Triển khai hệ thống các trường phổ thông DTNT những năm qua có vai trò lớn trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Mô hình cũng đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để học sinh ở vùng miền núi vùng sâu vùng xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị
Từ mô hình này đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và các học viên. Trong đó, có nhiều em đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT, được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của các trường ngày càng được khẳng định...
Tại hội nghị, các tham luận của các nhà trường cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Với môi trường và học sinh đặc thù, duy trì nề nếp là xương sống để thực hiện hoạt động từ dạy học đến rèn luyện các kỹ năng toàn diện khác.
Bên cạnh đó, cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc như một số đơn vị cơ sở vật chất không đảm bảo. Trong đó, Trường PT DTNT Con Cuông chưa được đầu tư, xây dựng. Năm 2018, do lũ lụt gây hư hỏng, thiệt hại nghiêm trọng, trường phải di dời khỏi vị trí cũ để đảm bảo an toàn. Đến nay, thầy trò trường này đang phải dạy học nhờ trường lớp và xây dựng khu nội trú tại 2 đơn vị khác trên địa bàn huyện Con Cuông.
Một số trường chất lượng giáo dục giữa các vùng chưa có sự đồng đều. Một bộ phận giáo viên năng lực còn hạn chế... Các trường cũng đề xuất Sở GD&ĐT tạo điều kiện, tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho GV thực hiện chương trình phổ thông mới.
Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Kết luận hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, Đề án 1640 là một đề án nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và học sinh nói riêng.
Trong những năm tới, Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các trường PT DTNT phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số, nhu cầu tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực.
Đối với 8 trường PT DTNT hiện có, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp với đối tượng. việc tổ chức nội trú cũng hướng đến rèn luyện những phẩm chất, kỹ năng giúp học sinh hội nhập với xã hội tốt hơn. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các hạng mục được phê duyệt chưa hoàn thành.
Để hướng tới mô hình giáo dục chất lượng, ông Thái Văn Thành cũng đề nghị Trường PT DTNT THPT tỉnh Nghệ An phát huy hơn nữa vai trò là 1 trong 5 trường THPT trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Từ đó, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các trường nội trú./.