Những ưu thế khác biệt
Nghệ An có giao thông thuận lợi, hạ tầng đồng bộ. Tỉnh có khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ. Cùng với đó, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đa phần diện tích là đất nông nghiệp. Đây là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung.
Hiện nay, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, tiềm năng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp còn nhiều. Với tiềm năng về đất đai và lao động, lại đang ở thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, dư địa để phát triển công nghiệp tại Nghệ An là rất lớn, đủ hấp dẫn để các nhóm nhà đầu tư nước ngoài chọn là điểm đến.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nghệ An được ví như một Việt Nam thu nhỏ có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đầy đủ, kết nối quốc tế. Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế. Đồng thời, Nghệ An là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, thể thao thành tích cao; người dân cần cù lao động, có truyền thống hiếu học, hiện có 6 trường đại học và nhiều trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, rất thuận lợi cho công tác đào tạo nghề, nhân lực chất lượng cao.
Phát huy những ưu thế đó, Nghệ An đã và đang ghi những dấu ấn trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía bắc. Đến nay, kinh tế của Nghệ An phát triển khá toàn diện, tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng. Năm 2022, Nghệ An đứng thứ 10 trong toàn quốc và gấp 2,5 lần năm 2013. Cơ cấu kinh tế Nghệ An chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ông Thái Thanh Quý, đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư mới và nâng cấp; doanh nghiệp và kinh tế tập thể phát triển nhanh về số lượng, đa dạng các ngành, nghề, lĩnh vực. Cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện ngày càng tốt hơn.
Để giúp Nghệ An sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, vừa qua, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
… Tạo lợi thế cạnh tranh
Được biết, Nghệ An đang chú trọng và khuyến khích các dự án phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, hydrogen, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2024, phấn đấu thu hút đầu tư vào Nghệ An đạt khoảng 100 - 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 28.000 - 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 600 - 700 triệu USD.
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, để đảm bảo quỹ đất đón đầu các dự án quy mô lớn, tỉnh đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới. Dự kiến đến năm 2025, Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận nhà đầu tư.
Hiện, tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, Nghệ An cũng tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Để Nghệ An thực sự hội tụ đủ “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”, tỉnh tiếp tục quán triệt chỉ đạo thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Song song với các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp thủ tục đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, phát huy hiệu quả dự án.
Tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc, Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An (giai đoạn 2), Khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò,...; phối hợp các nhà đầu tư hạ tầng kêu gọi đầu tư vào các Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP, Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An (giai đoạn 1), Khu công nghiệp Hoàng Mai 1,.. tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy các khu công nghiệp đã và đang được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại.
Mặt khác, tỉnh Nghệ An cũng sẽ kiên quyết chấm dứt và thu hồi đối với những dự án triển khai chậm tiến độ, không có lý do chính đáng và nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.