Theo đó, thực hiện Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ nhân lực để triển khai việc xác định Chỉ số Cải cách hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của tỉnh; tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo tự chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số cải cách hành chính của bộ, tỉnh.
Cùng với đó, căn cứ vào Chỉ số cải cách hành chính tại Quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xây dựng và đưa vào triển khai Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ của tỉnh phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh gia cải cách hành chính.
Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí để triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Giao các sở: Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đối với từng lĩnh vực theo phân công của UBND tỉnh.
Tại Quyết định 876/QĐ-BNV về việc phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 – 2030, nội dung Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh bao gồm các nội dung sau:
a. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần, cụ thể là:
+ Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 7 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần;
+ Cải cách thể chế: 4 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần;
+ Cải cách thủ tục hành chính: 5 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
+ Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
+ Cải cách chế độ công vụ: 7 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần;
+ Cải cách tài chính công: 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
+ Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;
+ Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội: 5 tiêu chí, 8 tiêu chí thành phần;
b. Thang điểm đánh giá:
- Thang điểm đánh giá là 100.
- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,50/100.
c) Phương pháp đánh giá:
- Tự đánh giá của các tỉnh: Các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm tự đánh giá của các tỉnh được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết.
- Đánh giá thông qua điều tra xã hội học: Việc điều tra xã hội học được tiến hành để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau, do Bộ Nội vụ quy định. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Chỉ số CCHC cấp tỉnh;
d) Tính toán, xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh:
- Tổng hợp điểm đánh giá qua điều tra xã hội học và điểm Bộ Nội vụ đánh giá, được thể hiện tại cột “Điểm đạt được”.
- Chỉ số CCHC được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa (100 điểm).
- Chỉ số thành phần theo lĩnh vực, tiêu chí được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng lĩnh vực, tiêu chí.
đ) Xếp hạng Chỉ số CCHC của các tỉnh:
- Kết quả Chỉ số CCHC của 63 tỉnh được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp.
- Kết quả Chỉ số CCHC của các tỉnh được xếp hạng theo 6 nhóm tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm có: Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố), Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố).