310985879-784805885928584-5856664806033819681-n-1012-1670565418.jpg
Một góc TP Vinh (Nghệ An).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) năm 2022 ước đạt 9,08%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước thực hiện 93.438 tỷ đồng, tăng 12,47% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, tăng 35,6% so với dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh, tăng 1,9% so với thực hiện năm 2021. Chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện 32.562 tỷ đồng, bằng 104,8% dự toán.

Trong năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 24,16% so với năm 2021. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 6,79 triệu lượt, gấp 2,59 lần so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt khoảng 2.490 triệu USD, tăng 2,55% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.195 triệu USD, tăng 20,2% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt ngay từ đầu năm. Cho nên, tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch.

Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 - Km76; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1); Đường giao thông nối Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)... Hạ tầng KKT Đông Nam tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến đầu tư của Nghệ An tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. Tính đến ngày 30/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 95 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 28.538,9 tỷ đồng; điều chỉnh 102 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD. Tính đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.953 doanh nghiệp, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số vốn đăng ký 22.125 tỷ đồng; có 850 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 122 doanh nghiệp so cùng kỳ 2021.

Bước sang năm 2023, Nghệ An xác định mục tiêu tổng quát gồm: Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh gắn với tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với cơ cấu lại kinh tế, hướng đến chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trọng điểm; Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được trong năm qua, năm 2023, Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9-10%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56-57 triệu đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu:2.870 triệu USD./.

Theo Ngọc Tuấn - taichinhdoanhnghiep.net.vn