6 tháng đầu năm 2022, mặc dù kinh tế cả nước còn những khó khăn từ tình hình thế giới, song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Nghệ An ước tăng 8,44%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách địa phương đảm bảo theo các nhiệm vụ chi dự toán tỉnh giao từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi thường xuyên, đảm bảo an sinh xã hội và một số nhiệm vụ phát sinh.
Cụ thể: Thu ngân sách 10.100 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa 9.162 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 937 tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán. Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện 15.303 tỷ đồng, đạt 49,3% dự toán. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, việc điều hành quản lý tài chính ngân sách gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, việc cân đối nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn nghành nên thu ngân sách của Nghệ An vẫn đạt khả quan, số thu ngân sách đang tịnh tiến dần đến số chi, công tác quản lý vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Đối với cơ quan thuế, 6 tháng đầu năm, một số đơn vị đã hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao năm 2022 ( tính cả thu tiền sử dụng đất) như: Huyện Diễn Châu đạt 167,1% dự toán; huyện Yên Thành đạt 159,6% dự toán; huyện Đô Lương đạt 149,8% dự toán; huyện Tân Kỳ đạt 134,8% dự toán; huyện Quế Phong đạt 123,4% dự toán; huyện Anh Sơn đạt 121,1% dự toán; huyện Nghi Lộc đạt 119,3% dự toán; thị xã Thái Hòa đạt 112,7% dự toán; huyện Hưng Nguyên đạt 107,8% dự toán.
Đối với Kho bạc Nhà nước, tình hình dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2022 vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách và tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Đối với nghành Hải quan, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong phạm vi cả nước nên việc triển khai nhiều nhiệm vụ của Cục Hải quan bị ảnh hưởng như: Số lượng các cuộc kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành còn hạn chế gây ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu. Xung đột Nga-Ukraine làm giá dầu tăng cao, gây ảnh hưởng đến một trong những nguồn thu chính là nguồn thu từ xăng dầu nhập khẩu. Cơ sở hạ tầng cửa khẩu, cảng biển và sân bay của Nghệ An mặc dù đã được nâng cấp nhưng nhìn chung còn hạn chế về năng lực khai thác, do đó hàng hóa của Nghệ An chưa hoàn toàn xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu của Nghệ An mà còn phải qua một số địa phương khác. Tuy vậy, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện 6 tháng đạt 937 tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán và bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2022, dù đã hết sức quyết liệt trong chỉ đạo nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An vẫn còn thấp.Tính đến ngày 30/6/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.692,335 tỷ đồng, đạt 29%/kế hoạch. Có 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Có 29 cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân, tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 29%). Trước tình hình đó, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý và tham mưu xử lý các vướng mắc trong thanh toán, chuyển nguồn, nhập dự toán, chỉ tiêu biên chế, đôn đốc thu hồi tạm ứng. Đẩy nhanh công tác quyết toán, tất toán các dự án đã hoàn thành. Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành. Tham mưu điều chỉnh thu hồi đối với các dự án chậm triển khai, không khả thi trong công tác giải ngân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm cũng đang nặng nề. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để tổ chức thi công các công trình xây dựng cơ bản. Lập hồ sơ thanh toán đối với các công trình thuộc chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đẩy mạnh công tác quyết toán các hạng mục, công trình dự án hoàn thành. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước các cấp, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán cho các công trình, dự án khi có đủ điều kiện giải ngân để đẩy nhanh việc thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của từng dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, điều chuyển các dự án chậm tiến độ theo đúng quy định trừ các dự án quan trọng của tỉnh. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước để tạm dừng thanh toán đối với các dự án dự kiến điều chỉnh giảm. Thành lập Đoàn kiểm tra thu hồi tiền tạm ứng các chủ đầu tư chưa thanh toán. Chỉ đạo, đôn đốc quyết toán công trình hoàn thành, quyết toán công trình tồn đọng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hải, ngày 4/7/2022, Sở Tài chính Nghệ An đã ban hành Công văn số 2459/STC-NST về việc đôn đốc thực hiện kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho các địa phương theo quy định. Nội dung: Để xử lý dứt điểm tránh tình trạng nợ chế độ chính sách các đối tượng hưởng phụ cấp phòng chống dịch. Sở tài chính Nghệ An yêu cầu Sở Y tế khẩn trương đôn đốc các đơn vị cung cấp hồ sơ, tổng hợp nhu cầu kinh phí để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời. Đối với UBND thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thẩm định kinh phí, chủ động bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm tránh tình trạng nợ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch theo quy định.
Bên cạnh kiểm soát tốt thu chi ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 6 tháng đầu năm 2022 sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An tăng 12,67% so với cùng kỳ năm 2021 do dịch Covid 19 đã được kiểm soát. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt đà tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,74%. Sản xuất và phân phối điện tăng 25,84%. Khai khoáng tăng 15,09%. Nghành xây dựng tăng 10,45% cao hơn mức tăng 6,17% của cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,06% so với cùng kỳ. Trong đó; sản xuất và phân phối điện và điều hòa không khí tăng 24,50%. Công nghiệp khai khoáng ước tăng 18,43%. Công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,33%. Cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải ước tăng 2,75%./.