1-1140-1670594116.jpg
Dự án Luxshare - ICT (Nghệ An) 1 có tổng mức đầu tư 140 triệu USD tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, với quyết tâm, nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2022 đã có được kết quả tích cực; hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,08%/KH 8,5-9,5%. Với kết quả này, Nghệ An đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; Quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.

Về thu hút đầu tư, tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn, tồn tại. Thu ngân sách tuy đạt cao nhưng cơ cấu thu còn nhiều bất cập. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là nguồn vốn nước ngoài, đến 30/11/2022 đạt 56,81% kế hoạch giao đầu năm và đạt 44,27% tổng kế hoạch vốn. Tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

UBND tỉnh Nghệ An nhận định, năm 2023 là năm bản lề, năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

UBND tỉnh Nghệ An đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%, thu ngân sách 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng; Có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đề ra là rất nặng nề, trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường. UBND tỉnh sẽ bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành các ngành, các địa phương và các đơn vị triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau khi được HĐND tỉnh thông qua./.

Theo Văn Dũng - nhadautu.vn