Tại kỳ họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7/2021 vào sáng 23/7, UBND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030.
Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, giai đoạn 2011- 2020, các ngành, các cấp của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Những năm gần đây, theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chỉ số CCHC của tỉnh tăng thứ hạng qua từng năm.
Tuy vậy, qua tổng kết giai đoạn 2011-2020, CCHC của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Vẫn còn tình trạng văn bản ban hành trái quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn phức tạp.
Chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được cải thiện nhiều; giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn chậm thời gian. Hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thấp. Ứng dụng CNTT chưa đồng bộ, các dịch vụ công mức độ cao chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với CCHC. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa xác định đầy đủ trách nhiệm của mình. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chưa thường xuyên.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trình độ chuyên môn, năng lực chưa cao, phẩm chất đạo đức chưa tốt, tinh thần trách nhiệm thấp. Để thực hiện tốt hơn CCHC trong giai đoạn 2021-2030, cần có những chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Từ những nội dung trên, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 là cần thiết. Nhiệm vụ này đã được đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Theo dự thảo Nghị quyết, trọng tâm CCHC trong giai đoạn 2021-2030 là: Cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Phấn đấu đến năm 2025: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 15; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT-index) trong nhóm 10 các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu tăng thứ hạng các chỉ số so với năm 2025.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và yêu cầu của cải cách hành chính trong giai đoạn 2021-2030, dự thảo Nghị quyết đề cập 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng các cấp, của đồng chí Bí thư cấp ủy trong công tác lãnh đạo đối với công tác CCHC. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác CCHC. Hoàn thiện thể chế, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức. Sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo hoạt động của các cơ quan Nhà nước thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Xây dựng các chế tài, quy định để xử lý vi phạm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là việc kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, vi phạm các quy định hành chính.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy cũng sẽ phân công chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết theo từng mốc thời gian cụ thể.