Thị trường lao động tại Nghệ An thời gian qua có sự phục hồi khá mạnh mẽ trong bối cảnh thích ứng an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng mạnh khi nhiều dự án mới đi vào hoạt động dẫn đến có tình trạng thiếu hụt lao động.

Khó tránh thiếu lao động

Theo ông Trần Hữu Thượng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, trong thời gian vừa qua đơn vị này có nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp về việc khó tuyển dụng lao động. Điều này có nguyên nhân từ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có sự dịch chuyển về lao động. Chính vì vậy, khi nền dần kinh tế phục hồi dẫn đến các thị trường dần sôi động trở lại, từ đó khiến một số doanh nghiệp thiếu lao động cục bộ.

2ssssinh-vien-truong-ai-hoc-kinh-te-nghe-an-tham-gia-tu-va-n-tuye-n-du-ng-lao-do-ng20221012162156-1665570501.jpg
Sinh viên trường Đại học kinh tế Nghệ An tham gia tư vấn tuyển dụng lao động

“Đây cũng là thực tế bình thường, không chỉ riêng tại Nghệ An. Đây cũng là quy luật của thị trường lao động, bởi rất khó đòi hỏi sự tiệm cận giữa cung và cầu”, ông Trần Hữu Thượng lý giải.

Theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, ngay thời điểm chưa xẩy ra dịch bệnh, việc doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động cũng xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, không phải người lao động nào cũng dễ dàng tìm kiếm được việc làm.

“Hai bên vẫn đang tìm kiếm nhau, đó là lý do vì sao vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu, hay cung không gặp cầu và ngược lại. Một số lĩnh vực thiếu lao động nhiều đó là dệt may, da giày, điện tử, ngành dịch vụ… Đây cũng là những nhóm ngành đang thiếu lao động nhiều nhất trong thời điểm này. Hơn nữa, khi tình hình dịch ổn định trên cả nước, lao động Nghệ An lại tìm đường trở lại các tỉnh trong Nam hay ngoài Bắc , cũng chỉ một số lao động tìm được việc làm hợp lý mới ở lại…”, ông Trần Hữu Thượng nhận định.

Sở dĩ lao động Nghệ An thường chọn làm việc ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động vì bình quân lương tháng tại Nghệ An khá thấp (6,0 triệu/tháng) so với cả nước là 6,6 triệu đồng, trong khi đó xuất khẩu lao động cho thu nhập gấp 5-8 lần.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, bên cạnh các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, dự kiến giai đoạn 2022-2025, sắp tới tại khu kinh tế, các khu công nghiệp thu hút trên 100 dự án mới, dẫn đến nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn ngày càng lớn.

Theo số liệu từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lao động trong khu kinh tế là 29.247 người và dự kiến đến cuối năm cần thêm 10.006 lao động.

Cụ thể, theo Ban này khi một số dự án lớn đi vào hoạt động sẽ cần nhiều lao động như Công ty TNHH Cơ khí chính xác Goertek Vina, Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, sắp tới, khi dự án lắp ráp điện tử Juteng (Việt Nam) và Dự án sản xuất giày dép của Tập đoàn Hoa Lợi tại Hoàng Mai… đi vào hoạt động thì nhu cầu lao động sẽ cần từ 80-100 nghìn lao động.

Nhiều ngành nghề tiếp tục “khát” lao động

Từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu lớn về lao động, ông Trần Hữu Thượng cho biết, đơn vị này tiếp tục phối hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng.

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, ông Thượng cho rằng, từ tín hiệu phục hồi khả quan các dự án mới, chắc chắn thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Chúng tôi dự báo ngoài nhóm ngành sản xuất thiếu nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử ra, một số đơn vị tuyển dụng số lượng lớn sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin…

mayss320221012162159-1665570530.jpg
Dự báo những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đi vào hoạt động, sẽ “tăng tốc” tuyển dụng, việc thiếu hụt lao động là khó tránh khỏi

Các doanh nghiệp trong khu kinh tế chủ yếu cần lao động phổ thông nhưng lại ưu tiên biết ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung nên không dễ tuyển và phải đào tạo. Vì thế, ngay từ lúc này, từng doanh nghiệp phải có kế hoạch nhu cầu lao động theo từng ngành nghề, “đặt hàng” với cơ quan quản lý Nhà nước để có kế hoạch hỗ trợ, phối hợp với các trường và các trung tâm dịch vụ việc làm để chuẩn bị nguồn nếu không muốn rơi vào bị động, thiếu hụt.

Tại Nghệ An hiện có 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hàng năm từ 45-50 nghìn lao động trẻ bổ sung vào lực lượng lao động nên có thể nói nguồn lao động rất dồi dào. Nhu cầu việc làm cho lao động ngày càng lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp tại khu kinh tế rất khó tuyển lao động và hiện hữu nguy cơ thiếu trong tương lai.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, trong số 189.056 lao động được giải quyết việc làm mới thì trong tỉnh là 55.013 người, chiếm 29,09%; ngoại tỉnh 69.300 người, chiếm 36,65%; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 64.743 người, chiếm 34,2%; 9 tháng đầu năm 2022, có 18.864 người đi nước ngoài làm việc, chiếm 46% trong số 40.954 việc làm mới trên địa bàn.

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho hay, để thu hút lao động vào các khu công nghiệp, thời gian qua, Sở đã phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tổ chức hội chợ kết nối cung cầu lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, đặc biệt về số lượng, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung - cầu lao động, chủ động giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các địa phương, khu vực sản xuất trọng điểm.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp tuyển dụng cần phối hợp với các cơ quan quản lý lao động để hỗ trợ khâu tuyển dụng lao động. Thời gian qua, dù là đơn vị quản lý chuyên ngành, đơn vị không nhận được phương án, kế hoạch sử dụng lao động của các doanh nghiệp theo các dự án đầu tư nên khá bị động.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đề xuất cần có cơ chế thu hút và giữ chân người lao động làm việc tại doanh nghiệp ổn định, lâu dài bằng cách quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng chế độ tiền lương, thu nhập xứng đáng; các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, thâm niên công tác (tăng lương định kỳ), phụ cấp trách nhiệm và các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để lao động yên tâm gắn bó lâu dài, tăng năng suất lao động, đem lại lợi nhuận và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp./.