Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu, tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các quầy bán bánh lưu động trên địa bàn TP.Vinh cũng như các huyện, thị đang thực hiện giãn cách xã hội phải đóng cửa theo quy định. Không thể bán hàng qua kênh truyền thống, các hãng bánh đẩy mạnh bán hàng online, ship hàng tận nơi thông qua các kênh như: fanpage, Facbook, Zalo của hãng và qua sàn thương mại điện tử, các trang mua sắm trực tuyến với đa dạng chủng loại, giá cả.
Dạo quanh các trang hội chợ, nhóm kinh doanh online, mặt hàng bánh Trung thu đang được quảng cáo khá rầm rộ. Tuy nhiên, lượng khách đặt hàng lại khiêm tốn.
Chị Nguyễn Thị Nhung, một người nhận phân phối bánh Trung thu của một hãng bánh kẹo truyền thống trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Nhận hàng từ đầu tháng 7 âm lịch, trưng bày ở các cửa hàng tạp hóa nhưng lúc đó chưa có ai quan tâm. Giờ cận ngày Tết Trung thu thì các cửa hàng tạp hóa đóng cửa, tôi chuyển sang bán online, đăng bán bánh trên các hội nhóm, các hội chợ nhưng chỉ được khoảng vài trăm đơn bán lẻ. Giảm đến 70% doanh số so với mọi năm, mặc dù đã giảm giá từ 10-15%”.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất bánh Trung thu ở Vinh cũng trong tình cảnh tương tự. Các cửa hàng nghỉ bán chỉ còn duy nhất kênh bán online nên lượng bán ra rất hạn chế. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, chủ một cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở đường Nguyễn Thái Học (TP.Vinh) cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay, cơ sở của tôi đã nhập về hơn 30 triệu tiền nguyên liệu. Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp nên lượng khách đặt hàng giảm hơn 50% so với dự kiến. Hiện, ngoài đẩy mạnh chạy quảng cáo, đưa ra các chương trình khuyến mãi thì tôi đã lên phương án bán rải số bánh vào ngày thường, ngày mồng Một và ngày Rằm chứ không tập trung vào Tết Trung thu”.
Nếu như các năm trước, đây là thời điểm các hộ cá thể làm bánh Trung thu tất bật làm bánh phục vụ các đơn đặt hàng “khủng” thì năm nay, nhiều hộ đành “tắt bếp”, nghỉ làm bánh và nghỉ bán. Có kinh nghiệm làm và bán bánh Trung thu “handmade” chục năm nay, có năm cao điểm chị làm đến 3.000 bánh phục vụ khách nhưng mùa Trung thu năm nay, chị Hoàng Việt Hà (Lê Lợi, Vinh) quyết định nghỉ bán. Theo chị Hà cho biết thì năm nay, dịch diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi đơn đặt hàng sẵn không nhiều nên chị không dám mạo hiểm.
Dù không “tắt bếp” nghỉ hẳn nhưng chị Hạnh Tâm (Bến Thủy, Vinh) cho biết: “Năm nay, tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách quen, làm dư một lượng nhỏ để bán cho những khách khác. Ngoài chiết khấu % cho các đơn hàng từ 4 bánh trở lên, tôi còn hỗ trợ phí ship cho khách đặt hàng online, hỗ trợ phần hộp cho khách đặt bánh làm quà”.
Theo phân tích, năm nay, dịch bệnh diễn ra liên tiếp đã tác động không nhỏ đến thu nhập của mỗi gia đình. Do đó, mọi người đều thắt chặt chi tiêu, không đầu tư vào những khoản không thiết yếu, do đó, bánh Trung thu cũng không phải là mặt hàng được ưu tiên chọn mua. Mặt khác, chủ yếu mua - bán online trong khi phí ship khá cao nên người mua cũng không mấy mặn mà.
Hầu hết các doanh nghiệp, các hộ cá thể làm bánh Trung thu thì đối tượng khách hàng chính là doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đặt hàng để làm quà biếu nhân viên, đối tác. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết đơn vị cũng cắt giảm khoản này vì công tác phòng, chống dịch, do đó mất đối tượng mua chính, mua nhiều.
Ngoài ra, hoạt động vui Tết Trung thu tập thể cũng không được tổ chức nên các đơn hàng số lượng nhiều từ hoạt động này đều bị hủy. Do đó, ngoài các bếp thủ công, xưởng sản xuất bánh Trung thu handmade nhỏ lẻ đóng cửa, nhiều doanh nghiệp lớn cũng thông báo ngừng sản xuất loại bánh này. Một số thương hiệu tuy không ngưng hẳn nhưng cho biết chỉ sản xuất cầm chừng./.