Đang là giáo viên dạy toán, chỉ vì đam mê nuôi các loài côn trùng độc lạ, nhất là dế mèn, anh Nguyễn Thế Thắng (xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã bỏ nghề về quê nuôi dế. Đến nay, anh không chỉ có một trại nuôi dế, lớn, anh còn là thầy dạy nuôi dế và là Chủ tịch Hội Làm vườn của tỉnh Nghệ An.
 
Từ bỏ giáo viên, đam mê nuôi dế mèn 
 
Sau khi từ bỏ nghề giáo, với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Thế Thắng (trú tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã mạnh dạn cùng gia đình vào TP. Vinh lập nghiệp.
 
Tại đây, vợ chồng anh Thắng sống tạm bợ qua ngày rồi cùng nhau xây dựng trại dế Lan Hương.
 
Trại dế là nơi anh nuôi dế, và cũng là nơi anh làm mặt bằng mở quán bán các món ăn đặc sản chế biến từ dế mèn.
 
Ngay từ khi mở quán bán món dế mèn, do món ăn mới lạ, nên nhiều thực khách chỉ đến tham quan rồi ăn thử là chính, nên cuộc sống thu nhập không ổn định. 
 
Biết là rất khó sống được bằng nghề nuôi dế và bán thức ăn chế biến từ dế nuôi vào lúc này, nhưng anh Thắng vẫn hy vọng rằng khoảng 10 năm nữa, mình tạo được lượng khách "ruột" về món ăn đặc sản nhiều bổ dưỡng này và như thế đã là thắng lợi.
 
Cũng khoảng thời gian khó khăn này, anh Thắng cùng vợ xoay xở đủ nghề để kiếm sống. "Thời điểm đó ngày tôi đi buôn bắp cải, buôn xoài, buôn cau,…đêm đến tôi đi dạy gia sư, mong có kế sinh nhai để tiếp tục thực hiện cái ước mơ phát triênr trại nuôi dế mèn. Lúc khó khăn nhất, tôi được người vợ luôn sát cánh ủng hộ, nên rồi mọi khó khăn cũng dần qua"
 
Trong những lúc khó khăn túng quẩn, anh lại nằm suy nghĩ bàn với vợ về việc mình đi học để lấy tấm bằng thạc sĩ kinh tế. Bởi theo anh mình muốn phát triển lớn và rộng, thì phải có kiến thức quản trị về kinh tế. 
 
Nghĩ là làm, anh khăn gói lên đường theo học Thạc sĩ Quản lý kinh tế tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam, rất may mắn trong quá trình học tập, anh được Hội đồng nhà trường cho bảo vệ về đề tài về nuôi dế.
 

Kiểm tra đàn dế sinh trưởng theo chu kỳ.
 
Cầm tấm bằng thạc sỹ trong tay anh rất tự hào và quyết tâm cao trong quá trình lập nghiệp bằng chăn nuôi dế mèn. 
 
Với kiến thức đã học, anh rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi dế cho những ai có nhu cầu, về tư vấn qua điện thoại, nếu người dân nuôi không đạt thì được anh bảo hành lại con giống khi nào nuôi được mới thôi.
 
Sau đó anh kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm dế thịt lâu dài, giá cả thu mua ổn định cho bà con.
 
Phiêu lưu cùng dế mèn
 
Được anh Thắng hướng dẫn, cung cấp con giống, nhiều hộ nông dân tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận thoát nghèo. Nhiều người khắp nơi liên lạc, nhờ anh dạy và tư vấn cách nuôi dế mèn.
 
Nhờ tố chất, tư duy của một thầy giáo dạy toán, anh Thắng đã tư vấn và giúp đỡ về khâu kỹ thuật, để bà con nông dân nuôi và chăm sóc dế hiệu quả hơn.
 
 
Gia đình anh Nguyễn Thế Thắng bán dế cho các hộ nông dân trên địa bàn. 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tứ một hội viên (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi nuôi dế của Trại dế Lan Hương đến nay hơn 3 năm, thấy dế ăn cám, rau muống, rau khoai rất tự nhiên mà chóng lớn; tôi nuôi trong thùng bạt, không ô nhiễm môi trường, khoảng 30 ngày là có thể xuất bán được. Tôi nuôi 8 thùng dế nhưng bình quân mỗi tháng cũng kiếm được 5 triệu đồng mỗi tháng".
 
Ngoài nuôi dế, anh Thắng còn mạnh dạn nuôi thêm 11 loại côn trùng khác nhau như: Rắn mối, cào cào, bọ cạp, bọ vừng, bọ xít, ve ve, sâu măng, trứng kiến, chôm chôm, nhộng ong để chế biến tại quán và cung cấp ra thị trường...
 
"Khách hàng thường lấy một lúc 2 đến 3 loại côn trùng về bán, khi mình đáp ứng được nhu cầu thì mình vừa giữ được khách hàng, vừa có lợi nhuận.", anh Thắng cho hay.
 
Đặc biệt năm 2017, anh là cố vấn cho Câu lạc bộ đầu bếp tỉnh Nghệ An. Câu lạc bộ ban đầu có 400 đầu bếp, đến nay có hơn 1.000 đầu bếp hoạt động khắp mọi miền tổ quốc tham gia. Đi đến đâu họ đều giới thiệu và ủng hộ món côn trùng đặc sản của anh vào các nhà hàng, nên việc nuôi côn trùng, trong đó có dế của anh Thắng ngày càng phát triển ngày bền vững.
 
 
Anh Thắng kiếm tra dế của trang trại ông Nguyễn Văn Tứ, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
 
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thế Thắng cho hay: "Với phương châm phát triển theo nguyên lý "nguyên lý con cua", nghĩa là:" con cua có 8 cẳng 2 càng, nếu có 4 chân đầu vào thì có 4 chân đầu ra, nghĩa là số người sản xuất chăn nuôi luôn cân đối với đại lý của thị trường thì luôn bền vững.
 
"Doanh nghiệp là mình con cua, còn càng đầu vào là tôi đứng ra để tư vấn kỹ thuật, càng đầu ra là vợ tôi phụ trách để phân phối thị trường. Về đầu vào liên quan đến mảng chăn nuôi, tư vấn kỹ thuật nuôi tôi phụ trách…"
 
Với cách làm đó, đến nay đã gần 13 năm làm nghề nuôi dế và các loài côn trùng độc lạ, anh Thắng đã xây dựng mạng lưới 700 hộ thành viên vệ tinh và 800 đại lý tiêu thụ trên 40 tỉnh trong cả nước từ Quảng Ninh, Gia Lai, Long An,... 
 
Có được sự thành công trong việc xây dựng mô hình nuôi dế và côn trùng, cuối năm 2018, anh vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, và nhân được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành từ Trung ương và địa phương./.