Ánh mắt mờ đục, nhạt nhòa, bà Tân, ông Hiển chỉ ước mong hai đứa cháu thơ dại còn một tia sáng tương lai. Chúng sinh ra mà không biết cha mình là ai, người mẹ điên dại thì bỏ đi vất vưởng.
 
Nỗi bất hạnh của đôi vợ chồng già chăm con gái tâm thần
 
“Nhà nớ khổ chi mà đã khổ. Âu là cái số chú ạ!”, một người địa phương giọng đậm chất miền Trung qua đường vừa nói vừa lắc đầu thở dài khi hướng dẫn chúng tôi đến nhà ông Đinh Ngọc Hiển, bà Phạm Thị Tân, (xóm Nhân Sơn, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
 
Hầu như người dân ở địa phương này không ai không biết đến hoàn cảnh tréo ngoe, đẫm nước mắt của gia đình bà Tân, ông Hiển. Người ta nói “đã nghèo còn vướng cái eo”, có lẽ là chỉ những trường hợp như của ông bà vậy.


 
Hai chị em Ánh và Tuyết sinh ra không biết cha là ai, mẹ thì điên dại.
 
Ngồi trải lòng với chúng tôi, ông Hiển lặng người đi trong nước mắt, bần thần về cuộc sống chưa bao giờ yên ả với gia đình ông. Từng dòng tâm sự dường như cũng ứ nghẹn lại trong cái nắng oi ả và không khí ngột ngạt của những ngày đầu hè trên mảnh đất miền Trung.
 
Sinh được 5 đứa con, cứ nghĩ về già sẽ được an nhàn bên con cháu, ngờ đâu, tuổi già của ông bà chưa phút nào nguôi nỗi lo, nỗi khổ. Trong 5 đứa, có 4 đứa vì cảnh nhà nghèo khó đã bươn trải tha phương kiếm sống, còn đứa thứ tư trong nhà điên dại, chưa một lần khiến cha mẹ già được yên lòng.


 
Chị Ngọc bị điên dại không biết con mình là ai.
 
“Con Ngọc, tui tưởng đặt tên con như vậy thì con sẽ có cuộc đời sung sướng, hạnh phúc, mà bây chừ…”, bà Tân nói đoạn rồi nghẹn ngào nấc lên, ánh mắt mờ đục hướng về vô định, mông lung tựa như số phận đứa con gái và hai đứa cháu thơ dại của bà vậy.
 
Ông bà kể rằng, phải đến năm lớp 8, Ngọc mới phát bệnh, bất ngờ trở chứng điên dại, cáu gắt với mọi người, thường xuyên bỏ nhà đi vất vưởng, lang thang.
 
Kể từ đây, ông bà phải thay phiên nhau trông coi Ngọc. Thế nhưng, Ngọc vẫn tìm mọi cách trốn khỏi tầm mắt cha mẹ, lúc thì lên rừng, khi thì bỏ ra nghĩa địa ngủ, ông bà chưa một ngày được thảnh thơi.


 
Không cha, mẹ bị điên cuộc sống của hai chị em trông quá tội nghiệp.
 

 
Ông Hiển đau đớn khi kể về hoàn cảnh của đứa con gái mình.
 
Có những lần Ngọc lang thang tận huyện Đô Lương, Nam Đàn (Nghệ An) cách nhà hàng trăm cây số. Mỗi lần như vậy, ông bà phải bỏ việc đi tìm. Đưa về nhà được ít hôm, Ngọc lại bỏ đi. Có những lần Ngọc đưa đồ cúng ngoài nghĩa địa về cho các con ăn xong rồi lại biệt tăm mấy ngày liền.
 
Ông bà đã đưa Ngọc đi thăm khám tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương được bác sỹ chẩn đoán bệnh thần kinh nặng.
 
“Có bệnh vái tứ phương”, vì thương con, đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cạn kiệt tiền bạc, anh em họ hàng giúp đỡ cũng có hạn, không thể xoay xở được đâu nữa nên ông bà đành để Ngọc ở nhà tự trông coi.
 

 
Vì bị điên dại nên nên chị Ngọc xa lánh con, mọi người đi lang thang khắp nơi.
 
“Từ khi biết con bị bệnh, không có bệnh viện mô mà vợ chồng tui không đưa đi thăm khám để chữa bệnh. Những thứ chi có giá trị trong nhà bán được thì bán rồi, vay mượn khắp nơi nhưng bệnh con Ngọc không thuyên giảm chú ạ.
 
Nhiều lần vợ chồng tui đã nghĩ đến việc dùng xích sắt xích con lại, làm cho con một cái cũi để con không bỏ đi nhưng mà không đành lòng nhìn nó như vậy. Cuộc sống nó giờ chỉ còn biết phó mặc cho ông trời thương xót. Chỉ mong cho nó khỏi bệnh để còn chăm hai đứa con, chứ chúng tôi già yếu không còn sức mà lo nữa.”- ông Hiển buồn bã nói.
 
Những lần Ngọc đi hoang là những lần hai ông bà ăn ngủ không yên. Có những đợt Ngọc đi cả tháng trời, ông bà phải đội mưa gió tìm kiếm khắp nơi. Sức khỏe vốn đã già, giấc ngủ chập chờn, lo nghĩ về đứa con khiến cho ông bà tiều tụy hơn so với tuổi. 
 
Giông bão người con gái điên 2 lần mang thai
 
Cuộc sống vốn không bình lặng, đến năm 2013 thì giông tố tiếp tục nổi lên. Ông bà thực sự không tin vào sự thật Ngọc mang bầu mà không hề biết ai là cha đứa bé. Cũng từ đây, cuộc sống của ông Hiển bà Tân gần như bế tắc.
 
Năm bão bùng đó, cháu Đinh Thị Hồng Ánh ra đời. Ba năm sau, chuyện tương tự cũng xảy đến với Ngọc và ông bà có thêm cháu Đinh Thị Hồng Tuyết. Mỗi lần sinh con xong, Ngọc lại bỏ đi, bỏ mặc con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc, nuôi nấng.


 
Vì gia cảnh quá nghèo nên ông Hiển, bà tân rơi vào thế cực cùng.

 
Hai chị em lớn lên trong những bữa cơm canh, cà.
 
“Tui trông chờ được chi ở một đứa con bệnh tật hả chú. Nhưng nó vẫn là con Ngọc, là con do tui đẻ ra. Tui không thương nó thì thương ai đây… Hai đứa cháu cũng là cháu tui, tui không chăm không lo thì biết mần răng được. Mỗi lần nghĩ đến con mà đau thắt ruột thắt gan”, bà Tân chậm rãi nói.
 
Để có tiền nuôi hai đứa cháu, hàng ngày ông Hiển phải đi phụ hồ, bóc vỏ keo… Nhưng ở cái tuổi ngoài sức lao động nên ông Hiển cũng chỉ hôm làm, hôm nghỉ. Bà Tân ở nhà một mình chỉ dựa vào vài sào ruộng, chăn nuôi thêm con gà để có cái ăn.


 
Mọi chi phí thuốc men chỉ dựa vào sổ hộ nghèo.
 
“Căn nhà dột nát hết rồi chú ơi! ngày mưa tôi phải căng bạt để cho cháu ngủ. Hai đứa nhỏ đã đến tuổi đi học nhưng bây giờ không biết nhìn vào đâu. Đời chúng nó còn dài, còn khổ lắm! Chúng tôi đã già yếu rồi, nếu có ước mong gì, chỉ cầu mong cứu giúp cho hai đứa cháu thơ dại này mà thôi”, bà Tân sụt sùi.
 
Ở một góc nhà, hai đứa bé vẫn hồn nhiên chơi đùa cùng nhau. Hai đứa trẻ đang còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi bất hạnh của mình trên cuộc đời này. Không cha, mẹ thì điên dại, mai này ông bà quá cố rồi cuộc đời chúng không biết đi về đâu?.


 
Tương lai của 2 chị em không biết đi về đâu nếu không được cứu giúp.
 
Chúng tôi chia tay gia đình ông Hiển, bà Tân cũng là lúc mặt trời khuất sau rặng núi xa xa. Ánh mắt hai đứa trẻ tội nghiệp nhìn tiễn khách bỗng sáng rực lên như thèm thuồng một tình cha như bao đứa trẻ khác nhưng không nói nên lời.
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
 
Bà Phạm Thị Tân.
 
Địa chỉ: xóm Nhân Sơn, xã Quang Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
 
ĐT: 0364923526