Làng nghề rượu men lá ở bản Xiềng, xã Đôn Phục đã có từ lâu, tuy có những thăng trầm, nhưng được nhân dân nơi đây truyền từ bao thế hệ, những năm gần đây nghề làm rượu men lá đang có chiều hướng phát triển mạnh, đến nay đã có 41 hộ gia đình với 48 lao động tham gia. Làng có 3 tổ nấu rượu tập trung tại 3 hộ gia đình, luôn có từ 30-40 lao động.
Với công suất bình quân khoảng 200-300 lít rượu trên ngày; mỗi tháng bình quân từ 6-7 nghìn lít. Hình thức sản xuất thủ công truyền thống, men lá được ủ lên từ 12 thảo dược tự nhiên, công cụ đơn giản, dễ sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường.
Thu nhập bình quân của hộ làng nghề là hơn 28 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi lao động là 18 triệu đồng/người/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện, tỉnh và một số tỉnh khác trong nước.
Còn làng nghề rượu cần tại bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức cũng là làng nghề có từ lâu đời gắn bó mật thiết trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào Thái, đến nay đã có 102 hộ làm nghề, với công suất bình quân khoảng 200-230 lít rượu trên ngày, mỗi tháng bình quân từ 5-6 nghìn lít, có doanh thu từ 1,9-2 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt từ 16-17 triệu đồng/lao động/năm.
Sau khi đi kiểm tra thực tế sản xuất của 2 làng nghề nói trên, các thành viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí Làng nghề Rượu men lá ở bản Xiềng, xã Đôn Phục và Làng nghề rượu cần ở bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí để Hội đồng thẩm định cấp bằng công nhận làng nghề.
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị chính quyền huyện Con Cuông, xã Đôn Phục và xã Mậu Đức nên chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cụ thể; các hộ gia đình làng nghề cần quan tâm xây dựng quy chế chặt chẽ cho người dân khi tham gia làng nghề; tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương, chú trọng vấn đề xử lý môi trường, cải tiến mẫu mã… để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.