Hiện Công an tỉnh Nghệ An có 09 đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, 01 đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, bố trí phụ trách công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

Thực trạng trang bị của lực lượng Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An hiện nay so với tiêu chuẩn, định mức của Bộ Công an quy định chỉ đạt 38,4% đối với phương tiện và 28,18% đối với trang thiết bị. Tình hình trang bị còn bất cập, chưa đồng bộ, thiếu về chủng loại và nhiều loại đã lạc hậu, ngày càng xuống cấp.

Đề án được ban hành nhằm mục tiêu đầu tư, tăng cường phương tiện, trang thiết bị để lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới theo phương châm 04 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ”.

Theo đó, phấn đấu trang bị phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thiết yếu, thường xuyên sử dụng, đáp ứng tối thiểu 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định. Đồng thời, duy trì số lượng, chất lượng phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là, tăng cường trang bị phương tiện, đảm bảo phương châm “Phương tiện tại chỗ” đáp ứng tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, căn cứ tính chất, địa bàn từng khu vực, tiêu chuẩn, định mức quy định, khả năng ngân sách của các cấp và thực lực, nhu cầu cấp bách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới, bố trí kinh phí đầu tư mua sắm cho Công an tỉnh 14 xe ô tô chuyên dụng và trang thiết bị chuyên dùng theo xe phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh với tổng dự toán khoảng 100,1 tỷ đồng. Cùng với đó, bố trí kinh phí để đầu tư mua sắm tăng cường một số trang thiết bị thiết yếu, thường xuyên sử dụng với tổng dự toán khoảng 58,8 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định, duy trì và bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tranh thủ tối đa các dự án trang cấp của Bộ Công an, các nguồn trang bị bằng hiện vật hợp pháp theo quy định của pháp luật để tăng cường phương tiện, trang thiết bị phục vụ yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lộ trình thực hiện Đề án: Năm 2023,: đầu tư khoảng 56 tỷ đồng mua sắm trang bị 03 xe chữa cháy, 02 xe chở nước, 01 xe trạm bơm và 25% trang thiết bị theo Đề án; khoảng 01 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Năm 2024: Đầu tư khoảng 56 tỷ đồng mua sắm trang bị 03 xe chữa cháy, 02 xe chở nước, 01 xe trạm bơm và 25% trang thiết bị theo Đề án; khoảng 1,5 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Năm 2025: Đầu tư khoảng 46,9 tỷ đồng mua sắm trang bị 01 xe chở nước, 01 xe trạm bơm và số trang thiết bị còn lại theo Đề án; khoảng 02 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án, trong đó Công an tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Công an trang cấp hiện vật và cấp kinh phí mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Cùng với đó, phối hợp Sở Tài chính lập dự toán hàng năm, báo cáo UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí theo lộ trình, tiến độ thực hiện Đề án; triển khai mua sắm, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng các quy định của pháp luật.

Công an tỉnh giúp UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án đảm bảo đúng lộ trình, tiến độ quy định; định kỳ đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhằm đảm bảo thực hiện Đề án nghiêm túc, hiệu quả./.

Theo PQ - nghean.gov.vn