t-1640528079.jpg
Bộ Y tế yêu cầu: Thực hiện rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Ảnh tư liệu

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành 2 Công văn số 10099/UBND-VX và 10100/UBND-VX với các nội dung “về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống Covid-19 biến thể Omicron; quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19” và “Về việc tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tử vong do Covid-19”; gửi Sở Y tế, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Nghệ An.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương tiên quan thực hiện các nội dung yêu cầu của Bộ Y tế tại Công văn số 10737/BYT-DP ngày 17/12/2021, Công văn số 10815/BYT-DP ngày 21/12/2021, Công điện số 2146/CĐ-BYT ngày 22/12/2021.

Công văn 10737/BYT-DP nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội thực hiện rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron. Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến thể Omicron.

Tăng cường hệ thống giám sát nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới.

Tổ chức tiêm ngay lượng vắc xin đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19, trong đó chú ý tiêm cho những đối tượng chưa hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn. Ngoài ra, cần triển khai tiêm vắc xin liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công điện 2146/CĐ-BYT nêu rõ: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực. Huy động các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép, vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị. Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.

tt-1640528105.jpg
Điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Tất Ngọc

Triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.

Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị. Tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống... đầy đủ cho người bệnh. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa. Sở Y tế và các bệnh viện tầng 3 điều phối hoạt động chuyển tuyến giữa các cơ sở điều trị; chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới.

Bố trí mỗi bệnh viện điều trị COVID-19 có ít nhất “2 tầng điều trị” để thuận tiện trong điều trị và chuyển tầng nội viện. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn. Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện. Xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày.

Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, “Thầy thuốc đồng hành”, tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Khi cần thiết huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện vào chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị.

Đặc biệt, quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực và cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị COVID-19 dài ngày, căng thẳng kéo dài, chịu nhiều áp lực và gánh nặng chống dịch.

Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh và điều hành, quản lý. Củng cố công tác thống kê, báo cáo của địa phương và trên phần mềm https://cdc.kcb.vn để có các thông tin và chỉ đạo chính xác, kịp thời. Cập nhật theo dõi tình hình thu dung, theo dõi điều trị người bệnh tại các tầng và số giường trống để tiếp nhận người bệnh mới. Kiểm tra, đánh giá, phân tích công tác điều trị trong giai đoạn trước để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho hợp lý./.