Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Theo thống kê, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 7/4/2024, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm 14 người chết, trong đó: huyện Thanh Chương 3 vụ, 4 người chết; huyện Yên Thành 3 vụ, 3 người chết; thị xã Hoàng Mai 1 vụ, 2 người chết; huyện Anh Sơn 1 vụ, 2 người chết; huyện Tân Kỳ 1 vụ, 1 người chết; huyện Nghi Lộc 1 vụ, 0 người chết; huyện Đô Lương 1 vụ, 1 người chết.
Để xảy ra tình trạng trên, có nguyên nhân chủ quan do: Thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, do đó hiệu quả còn có mặt hạn chế; Công tác phối hợp trong tuyên truyền, vận động, cảnh báo nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt đối với trẻ em, chưa thường xuyên, liên tục, nội dung, phương pháp chưa có nhiều đổi mới phù hợp; Lực lượng cảnh giới, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực người dân tập trung tắm chưa được bố trí hoặc có bố trí nhưng quá ít so với yêu cầu; Nhà trường, gia đình còn thiếu sát sao trong quản lý học sinh, con em mình; Nhận thức, ý thức của người dân trước sự nguy hiểm và việc tự bảo vệ bản thân trong môi trường nước chưa cao...
Thời gian tới, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh bước vào cao điểm mùa hè nắng nóng kéo dài, nhu cầu tắm biển hoặc tại các sông, suối, ao, hồ của người dân tăng cao, dẫn đến tiếp tục gia tăng nguy cơ đuối nước, nhất là đối với trẻ em.
Để chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn tính mạng Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở LĐ,TB&XH thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại các địa phương, trong đó chú trọng tập trung tại các địa phương có số vụ tai nạn đuối nước xảy ra nhiều hoặc tai nạn đuối nước nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Trường hợp cần thiết, có thể tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh toàn diện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại các địa phương trọng điểm. Cùng với đó, tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, các biện pháp hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, Công an cấp xã chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, huy động sự tham gia vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng tổ chức chính trị, xã hội trong triển khai các giải pháp phòng, chống tai đuối nước.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang, đò dọc tự phát, phương tiện đường thủy nội địa không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy và đuối nước.
Đồng thời, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố đuối nước xảy ra. Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ chiến sỹ và các lực lượng khác có liên quan.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa nội dung cảnh báo về nguy cơ đuối nước; các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước và kỹ năng cấp cứu đối với người bị đuối nước vào chương trình giảng dạy theo quy định để nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho học sinh, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục thông qua bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu, các buổi tọa đàm, sinh hoạt dưới cờ và các buổi sinh hoạt lớp, phối hợp với hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, quản lý giáo dục các em học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước...
Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình như: “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi” tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và các đơn vị cấp xã. Tăng cường công tác quản lý bể bơi, hoạt động dạy bơi cho trẻ em; vận động xã hội hóa xây dựng bể bơi và dạy bơi, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa và có chế độ miễn, giảm cho trẻ em. Rà soát, kiến nghị thành lập, duy trì hoạt động của các tổ, đội cứu hộ tại các bể bơi, bến bãi, bờ biển, các khu vui chơi giải trí.
Sở Giao thông vận tải siết chặt công tác cấp Giấy phép đối với các bến thủy nội địa, các phương tiện giao thông đường thủy, chú trọng các điều kiện bảo đảm phục vụ vận tải hành khách trên sông. Tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định; đồng thời, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn trong quá trình kinh doanh, vận tải.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước; thường xuyên phát tin, bài cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trong mùa nắng nóng; khuyến cáo việc thực hiện các biện pháp an toàn khi tham gia tắm biển trong mùa du lịch... trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn thanh niên các cấp triển khai một số hoạt động phong trào đoàn, phần việc thanh niên nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước; đặc biệt là phát động phong trào đoàn viên, thanh niên nòng cốt, xung kích đảm nhận các công trình, phần việc như: Làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, biển cảnh giới, bố trí các phao cứu sinh, cứu hộ... tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước.
Đưa nội dung phòng ngừa tai nạn đuối nước vào Chương trình hành động tình nguyện hè năm 2024, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên cấp huyện, xã, cấp thôn, xóm có khả năng bơi lội tốt tham gia thực hiện hoạt động tình nguyện thực hiện nhiệm vụ thường trực cảnh giới tại các bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe, ao, hồ, đập lớn..., kịp thời phối hợp với các lực lượng khác phát hiện và ứng cứu các trường hợp đuối nước.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, Nhân dân nơi địa phương sinh sống tham gia công tác phòng, chống tại nạn đuối nước.
UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị phải tăng cường chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí Phó Chủ tịch, Thủ trưởng các ban, ngành chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã, Ban cán sự các khối, xóm, thôn, bản trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước. Trong đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tổng rà soát, điều tra cơ bản, lập danh sách cụ thể các khu vực, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước, bao gồm hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông, các bãi biển, bãi tắm, sông, suối, ao, hồ, thác, hố sâu có nước, khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước... Phải ưu tiên bố trí kinh phí làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, biển cảnh giới, phao cứu sinh, cứu hộ; bố trí lực lượng thường trực cảnh giới, tổ chức ứng cứu nhanh tại các địa điểm có nguy cơ cao về tại nan đuối nước. Chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các nhà trường, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước.
Đặc biệt, đối với các khu vực thường xuyên có khách du lịch, người dân tham gia các hoạt động dưới nước (khu du lịch sinh thái, bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe...) phải nghiên cứu huy động lực lượng tự quản an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở... hoặc phát động phong trào Đoàn thanh niên tình nguyện hè thực hiện nhiệm vụ thường trực cảnh giới tại các địa điểm có nguy cơ cao để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và ứng cứu các trường hợp đuối nước. Trường hợp cấp thiết, phải bố trí đội ngũ nhân viên cứu nạn, cứu hộ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đuối nước.
Trường hợp đơn vị, địa phương để tình hình tai nạn đuối nước diễn biến phức tạp hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng, UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp phòng, chống đuối nước, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp phòng, chống đuối nước theo quy định.