Bố mẹ chia tay, Lương về ở với bà. Chán nản, em bỏ học rồi dính vào đường dây mua bán ma túy và bị bắt khi mới hơn 16 tuổi... Cha của Lương nói ông rất hối hận, nhưng đã muộn màng...


 
“Bị cáo còn đi học nữa không?” - Chủ tọa phiên tòa hỏi.
 
“Bị cáo bỏ học rồi ạ” - bị cáo Trần Thị Hiền Lương trả lời.
 
“Tại sao bị cáo lại bỏ học?”.
 
"Bị cáo chán quá!".
 
"Bị cáo chán chuyện gì?".
 
"Bố mẹ bị cáo ly hôn. Bị cáo buồn chán, không có tâm trí để học hành nên bị cáo bỏ luôn".
 
Lời khai của bị cáo Lương tại phiên tòa khiến nhiều người không khỏi xót xa cho con đường phạm tội của bị cáo trẻ tuổi này.
 
Trần Thị Hiền Lương (SN 2003) bị truy tố xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cùng hai vợ chồng Hoàng Tâm Đắc (SN 1976) và Nguyễn Thị Liên (SN 1988, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An). Tại thời điểm phiên tòa diễn ra, bị cáo Lương còn thiếu gần 1 tháng nữa mới đủ 17 tuổi. Bố mẹ Lương có mặt tại phiên tòa với tư cách là người giám hộ của bị cáo.
 
Khoảng cuối năm 2019, Lương quen biết vợ chồng Hoàng Tâm Đắc và xem vợ chồng Đắc như anh chị thân thiết, nhiều lần đến nhà ăn cơm, ngủ qua đêm. Ngày 23/2/2020, Lương đến nhà vợ chồng Liên chơi rồi nghỉ lại. Trưa hôm sau, trong bữa ăn cơm, Liên chỉ nơi cất giấu ma túy, nói Lương “khi nào có người mua ma túy thì em lấy hàng, đưa ra cho anh chị để anh chị giao cho khách”.
 
Chiều cùng ngày, Lương nhận được tin nhắn của Liên nhờ lấy ma túy đưa xuống thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để vợ chồng Liên bán cho khách. Khi mang 60 viên hồng phiến di chuyển đến địa điểm đã hẹn trước thì Lương bị công an phát hiện và bắt quả tang.
 
Suốt phiên xử, bị cáo Lương cúi gằm mặt xuống đất, nước mắt lã chã rơi. Lương hầu như không nhìn bố mẹ mình dù chỉ cách chưa đầy 2 mét.
 
Năm Lương 2 tuổi, bố mẹ chia tay nhau. Theo phán quyết của tòa, Lương sống với bố. Khi bố có gia đình mới, Lương được bà ngoại đón về chăm sóc, nuôi dưỡng. Thiếu sự bảo ban, dạy bảo và quản lý của cha mẹ, Lương học đến lớp 10 rồi bỏ ngang. Bà ngoại đã già, không thể quản lý được cô cháu gái đang ở tuổi ẩm ương, thích thể hiện mình. Đến khi Lương bị bắt vì liên quan đến một đường dây mua bán ma túy, người thân của em mới sực tỉnh.
 
Có mặt tại phiên tòa với tư cách là giám hộ cho bị cáo, bố mẹ Lương xác nhận thông tin con cung cấp là đúng sự thật. “Tội của con có lỗi của bố mẹ nhưng giờ có nói gì cũng đã xảy ra rồi”, mẹ bị cáo nói và mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho con gái. Khi được vị chủ tọa phiên tòa “mở lời” cho phép “nói gì đó” với con gái, chị này từ chối.


 
Bố mẹ bị cáo Lương có mặt tại phiên tòa với tư cách là người giám hộ. Do nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa trong cuộc sống, hai người chia tay khi con gái mới hơn 2 tuổi. Để con vướng vào vòng tù tội, họ nhận thấy bản thân chưa làm tròn trách nhiệm trong việc nuôi dạy, bảo ban con.
 
Khác với sự kiệm lời của người vợ cũ, bố của Lương tâm sự khá nhiều về hoàn cảnh của mình. Theo ông, trong quá trình chung sống, hai vợ chồng không hòa hợp nên quyết định chia tay, lúc đó Lương còn rất nhỏ. Thời gian đầu Lương ở với bố nhưng ông bà ngoại thương, đưa về chăm sóc. Một thời gian sau, ông lấy vợ mới và có thêm con.
 
Với vai trò, vị trí của từng người trong vụ án, Hoàng Tâm Đắc bị tòa tuyên phạt 15 năm tù, Nguyễn Thị Liên bị tuyên phạt 10 năm tù. Hai vợ chồng Đắc bị bắt khi con gái đầu mới 12 tuổi, con út 5 tuổi.
 
“Cha con cũng thường xuyên tâm sự nhưng không sống gần nhau nên cháu cũng thiếu thốn tình cảm. Nhiều khi biết con buồn, cũng tâm sự với con nhưng bố không hiểu, cũng không sát sao. Khi cháu xin nghỉ học, tôi cũng đã bàn đi bàn lại, động viên con tiếp tục đi học nhưng cháu không nghe. Ông bà ngoại cũng kèm cặp nhưng do con tuổi nhỏ, non dại, bồng bột nên mới đi đến nỗi khổ này. Là người bố tôi rất hối hận nhưng giờ đã quá muộn màng. Mong HĐXX cho cháu được hưởng sự khoan hồng để làm lại cuộc đời”, người bố trình bày.
 
Được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, ông quay sang cô con gái đang ngồi cúi gằm mặt xuống đất, nói những lời gan ruột: “Của cải làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình mới bền lâu. Sống ở đời, con cứ thuận theo tự nhiên, không phải so bì, ganh đua, tranh giành với ai cả. Mong con từ bài học lần này sẽ rút kinh nghiệm cho cuộc sống sau này bởi cuộc đời của con mới chỉ bắt đầu”.
 
Vị chủ tọa phiên tòa cho rằng, thời gian gần đây tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, đặc biệt là liên quan đến ma túy có chiều hướng gia tăng. Ở lứa tuổi này các cháu chưa có sự trưởng thành, chín chắn về tâm sinh lý và dễ bị người khác lôi kéo, dụ dỗ. Do vậy, vai trò giáo dục, định hướng, quản lý của gia đình hết sức quan trọng. Qua trường hợp này, ông mong muốn những người làm bố làm mẹ phải sát sao với con hơn nữa.


 
Bị cáo Lương cúi đầu, khóc suốt phiên xét xử.
 
“Khi bố mẹ chia tay, sống trong môi trường gia đình không trọn vẹn, trẻ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Bởi vậy, khi việc chia tay là không thể tránh khỏi, những người làm bố, làm mẹ phải nhớ trách nhiệm của mình đối với con cái, phải dành thời gian tâm sự, uốn nắn, định hướng giúp con mình hình thành nhân cách, biết tránh xa cái xấu, cái độc hại”, vị chủ tọa nói.
 
Hành vi của Trần Thị Hiền Lương đủ cấu thành tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên trong vụ án này, Lương là người bị lôi kéo, giúp người khác phạm tội vì nể nang, không được hứa hẹn trả công, cũng chưa thu lời bất chính từ hành  vi phạm tội. Do vậy, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Hiền Lương 2 năm tù về tội danh trên.