Trận lũ quét lịch sử
Trận lũ quét giáng xuống bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1 của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào rạng sáng ngày 2/10/2022. Chỉ trong vòng vài giờ, dòng nước lũ đã cuốn trôi 56 nhà dân, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hại cùng hàng nghìn gia súc, nhiều đoạn đường bị sạt lở và ngập trong biển nước. Nhiều công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước bị hư hỏng, ngập lụt, ước tính thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Bỗng chốc, vùng núi nghèo trở nên tang thương chỉ trong một thời gian ngắn. Lãnh đạo các cấp từ huyện đến tỉnh, Trung ương đều bàng hoàng khi nhận được tin báo. Đến nay, với nhiều người dân ở bản Hòa Sơn, thì đây là cơn lũ kinh hoàng nhất mà họ từng chứng kiến, nó trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời.
Chị Lương Thị Ỏn trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nhớ lại: “Mưa như trút nước suốt cả đêm, đến rạng sáng, nước từ trên núi ồng ộc chảy xuống như thác đổ, cuốn theo mọi thứ. Cũng may lũ quét xảy ra vào ban ngày nên người dân mới chạy kịp, chứ không cũng bị trôi theo dòng nước. Đến nay mọi thứ đã ổn định, chúng tôi cũng đang đợi đất tái định cư để chuyển đến. Thời điểm đó, chính quyền địa phương cùng với các nhà hảo tâm đã đến động viên, giúp đỡ để bà con nơi đây sớm vực dậy, ổn định cuộc sống. Tôi muốn gửi đến mọi người lời biết ơn chân thành”.
Anh Lô Văn Thoong trú tại xã Tà Cạ nghẹn ngào, nhớ lại: “Chỉ trong khoảng 15 phút, dòng nước lớn kéo theo đất đá, cuốn trôi tài sản nuôi trồng hơn 3 năm qua của gia đình. Hơn 3,000 con cá, gà, vịt,… ước tính hơn 200 triệu đã bị đợt lũ lịch sử đó cuốn trôi. Đây là trận lũ kinh hoàng nhất mà tôi từng chứng kiến, nó trở thành nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời”.
Mặc dù lũ đã qua, nhưng hiểm nguy vẫn đang rình rập. Một vết nứt dài hàng trăm mét, chạy ngang chân núi tại bản Hòa Sơn, nguy cơ sạt lở có thể xẩy ra bất cứ lúc nào khiến người dân nơi đây hết sức bất an. Toàn bộ 225 hộ dân bản Hòa Sơn và một phần thị trấn Mường Xén đã không còn được an toàn, rất cần được di dời khẩn cấp.
Hồi sinh từ hoang tàn
Đến xã Tà Cạ vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, ai nấy đều cảm nhận được miền đất này đã dần được hồi sinh bởi hiệu quả của những chính sách tái thiết sau thiên tai. Những lá cờ đỏ sao vàng được treo ở cổng nhà, ngoài vườn những đám rau muống, rau bí, ruộng ngô xanh mướt; nhiều khu chuồng trại chăn nuôi gà, lợn thành đàn; hàng loạt ao thả cá được đào vuông vức hay những ruộng lúa xanh mởn mởn chờ ngày trổ bông khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi sức sống trỗi dậy mãnh liệt nơi đây.
Anh Lô Văn Thoong trú tại xã Tà Cạ cho biết: “Sau gần một năm trôi qua, gia đình đã mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng và 60 triệu đồng của người thân để đào ao, thả lại cá. Đến nay, cuộc sống đã dần ổn định, người dân chúng tôi cảm ơn chính quyền, các nhà hảo tâm đã đến động viên hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”.
Cũng phải thừa nhận rằng, chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Sơn đã rất kịp thời khắc phục hậu quả của cơn lũ dữ. Hàng nghìn lượt người từ bộ đội, thanh niên, dân quân tự vệ và tấm lòng của người dân cả nước cùng hướng về xã Tà Cạ để chia sẻ đau thương, mất mát, chung tay góp công, góp của để bà con sớm ổn định cuộc sống. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, số tiền 55 tỷ đồng đã được bà con gửi về Hòa Sơn, chưa kể hàng hóa, nhu yếu phẩm… Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho những hộ bi mất nhà cửa, để bà con khắc phục khó khăn trước mắt.
Anh Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn cho biết: “Đợt lũ lịch sử tháng 10 năm 2022, khiến 5 ha ruộng và đất màu của bản trước đây chuyên sản xuất rau an toàn bị đất, đá vùi lấp sâu hàng mét. Nhưng với sự quyết tâm của bà con, đến nay hơn 2 ha đất màu và ruộng đã được cải tạo thành những ruộng rau xanh tốt, chuồng trại chăn nuôi, ao cá phát triển khả quan. Hiện tại, đã có 7 hộ cải tạo đất sản xuất, bằng cách thuê máy múc san gạt thành những thửa ruộng, ao cá. Do lớp đất, đá vùi lấp quá dày, nên mỗi hộ dân đã phải đầu tư từ 20 – 25 triệu đồng để có được những đám ruộng mới. Tới đây, bà con sẽ tiếp tục thuê máy móc về cải tạo, mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, ổn định cuộc sống khi Nhà nước chưa bố trí được khu tái định cư mới”.
Trao đổi với chúng tôi bà La Thị Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết: “Người dân vùng lũ xã Tà Cạ dù khó khăn, vất vả, nhưng đã nêu cao tinh thần vượt khó bằng sự tự vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời của lực lượng công an, quân đội, chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã làm cho bà con vùng tâm lũ cảm thấy ấm lòng”.
Tái định cư - xây dựng nhà chống lũ
Ngay sau trận lũ quét, huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An đã gấp rút tìm địa điểm mới để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Sau một thời gian khảo sát, địa điểm được chọn là ở bản Cầu Tám (cùng xã Tà Cạ). Cuối tháng 12/2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh 25 tỷ đồng, doanh nghiệp 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trao đổi với chúng tôi ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đây là trận lũ chấn động của huyện Kỳ Sơn, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình. Nhờ sự ủng hộ của đồng bào gần xa, các nhà hảo tâm, tự lực, tự cường của các hộ dân, chính quyền... đến thời điểm này cuộc sống người dân cơ bản đã ổn định. Huyện đã có cơ chế chính sách, hỗ trợ 10 triệu đồng cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bị lũ quét cuốn trôi nhà cửa và bố trí các hộ gia đình có chỗ ở tạm thời. Hiện nay, huyện đã xúc tiến các thủ tục pháp lý về khu tái định cư để sớm có mặt bằng bàn giao cho nhân dân, ổn định cuộc sống. Về dự án tái định cư cho người dân, một số nội dung liên quan chuyển đổi đất rừng và tỉnh đang gửi hồ sơ ra Trung ương. Khi có câu trả lời của các cơ quan cấp trên thì huyện sẽ triển khai các bước tiếp theo”.
“Hằng năm, huyện Kỳ Sơn có phương án phòng chống thiên tai, lấy kinh nghiệm năm 2022 để làm cơ sở xây dựng kịch bản, rà soát chủ động di dời khu dân cư có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở. Đồng thời, rà soát những kênh mương, khe suối mà người dân xây dựng nhà cửa, trang trại bên bờ suối để trả lại hiện trạng, ban hành kịp thời các công văn, dự báo đài khí tượng thủy văn cho nhân dân được biết qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, ngày 17/8, qua buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đã đề nghị tỉnh và Trung ương chấp thuận xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, bởi thực tiễn ở các bản làng, sau khi có nguy cơ sạt lở thì các nhà tránh lũ rất hữu ích”, ông Thò Bá Rê cho biết thêm.