So với thị trường bất động sản tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc…, Nghệ An tuy phát triển muộn, nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và tạo lực hút riêng nhờ đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh. ​

Đột phá hạ tầng giao thông

Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất cả nước, đứng thứ 4 về dân số với hơn 3,3 triệu người, đây cũng là thủ phủ công nghiệp - "đầu tàu" kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, Nghệ An còn là "cửa ngõ" thông thương quốc tế với nước bạn Lào qua đường biên giới dài 419 km. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP cả tỉnh đạt 4,45%, thu ngân sách hơn 17,6 nghìn tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 26,65%.

Không chỉ hưởng lợi từ sức bật kinh tế, thị trường bất động sản Nghệ An còn được tiếp sức nhờ hạ tầng giao thông với các trục giao thông Bắc - Nam như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam; các trục Đông - Tây với Quốc lộ 7, Quốc lộ 15, Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B, Quốc lộ 48A, Quốc lộ 48C; các cảng biển nước sâu Cửa Lò, Vissai, Đông Hồi; Sân bay quốc tế Vinh; 5 cửa khẩu quốc tế dọc biên giới.

Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, điển hình như tháng 3/2021, cầu Cửa Hội dài 5,2 km với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng nối Nghệ An - Hà Tĩnh đã được khánh thành; dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam: Diễn Châu - Bãi Vọt đã khởi công tháng 5/2021; Đại lộ Vinh - Cửa Lò với tổng mức đầu tư 1.411 tỷ đồng đã thông xe toàn tuyến; Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đã được khởi công tháng 7/2020 - đây là một phần trong tổng thể tuyến đường ven biển đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó, phần đường qua Nghệ An dài 83,584 km với tổng vốn đầu tư 5.172 tỷ đồng.

Nghệ An - sức bật mới từ đột phá hạ tầng giao thông
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh được ưu tiên đầu tư triển khai.

Đặc biệt, giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng vốn dự kiến 191.761 tỷ đồng, trong đó có 2 đoạn đầu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh.

Hàng không thêm sức bật cho thị trường bất động sản Nghệ An

Đồng bộ về hạ tầng giao thông cùng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã giúp Nghệ An vươn lên dẫn đầu nhóm các tỉnh có năng lực cạnh tranh cao. Trong quý I/2021, Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.314 tỷ đồng. Số lượng dự án được cấp mới tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký mới tăng 4,65 lần, thu hút đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 5.770 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển các đường bay trực tiếp đi quốc tế của Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam đã chọn Sân bay Vinh là một trong những sân bay quốc tế trọng điểm, đưa các đường bay đi và đến Vinh vào chương trình đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan… Dự báo đến năm 2025, lưu lượng vận chuyển tại sân bay này đạt mốc 6 triệu khách.

Nghệ An - sức bật mới từ đột phá hạ tầng giao thông
Sân bay Quốc tế Vinh. Ảnh minh họa

Từ việc quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bài bản, đồng bộ, Nghệ An đã và đang trở thành điểm đến của nhiều thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bất động sản. Năm 2019 - 2020, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 11 dự án bất động sản lớn với quy mô diện tích sử dụng đất trên 10.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD của nhiều "tên tuổi" lớn như Vingroup, FLC, Tập đoàn T&T, Eurowindow Holding, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, TNR Holdings Vietnam…

Theo nhận định của các chuyên gia, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững cùng sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, đặc biệt là sự "đổ bộ" của những thương hiệu bất động sản lớn sẽ giúp thị trường bất động sản Nghệ An chuyển mình mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, “đi tắt đón đầu” trước làn sóng sôi động của thị trường.