Thời gian gần đây, nhiều người dân thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ đá rơi trong quá trình nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hưng Phúc (Công ty Hưng Phúc).
 
Người dân sống gần mỏ đá của Công ty Hưng Phúc phản ánh, thời gian qua, hoạt động nổ mìn để khai thác đá của Công ty Hưng Phúc đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây. Đặc biệt, vụ nổ mìn vào trưa 24/02/2020 đã khiến cho nhiều người được một phen khiếp đảm, vì nhiều tảng đá bay vào nhà và vườn chè của người dân.
 
Ông Hồ Sỹ Tưởng, trú tại thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn vẫn chưa hết sợ hãi kể lại: “Khoảng gần 11h30 trưa 24/02, tôi đang cho bò ăn thì đột nhiên nghe tiếng nổ uỳnh uỳnh từ mỏ đá. Tiếp đó, đá văng rào rào vào nhà tôi, một hòn đá lớn rơi ngay bên cạnh nơi tôi đang đứng. Rất may mắn dá koong trúng, tôi đã thoát c.hết trong gang tấc”. Theo lời ông Tưởng, mỗi lần Công ty Hưng Phúc cho nổ mìn khai thác đá là nhà ông lại rung lên bần bật giống như có một trận động đất.
 
Tương tự gia đình ông Tưởng, hộ gia đình ông Hồ Văn Long cũng gánh chịu thiệt hại đáng kể từ vụ nổ mìn. Theo quan sát của chúng tôi, mái nhà chính và phần mái tôn phía trước nhà ông Long bị đá xuyên thủng. Ông Long nói, may mắn là khi mìn nổ cả nhà tôi đều đi vắng, nếu ở nhà chưa biết có chuyện gì xảy ra.
 
Vụ nổ mìn trư 24/02 của Công ty Hưng Phúc còn khiến đá văng ra khu vực các đồi chè của người dân xung quanh. Người dân ở đây phản ánh, chưa khi nào thấy đá văng xa và nhiều như trận nổ mìn trưa 24/02.
 
Sau khi có phản ánh của người dân, UBND xã Cẩm Sơn cũng như huyện Anh Sơn đã cử cán bộ xuống làm việc với các bên liên quan để tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử lý. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua dù cố liên hệ với lãnh đạo UBND xã Cẩm Sơn cũng như ông Hoàng Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc nhưng chúng tôi đều không được phản hồi.
 

 
Ông Nguyễn Văn Hòe, thôn Nhân Tiến cho biết, cây xoan này vừa bị gãy đổ do đá văng sau vụ nổ mìn 24/02
 
Được biết, Công ty Hưng Phúc được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác mỏ đá tại thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn từ năm 2013. Tổng diện tích mỏ gần 8,2 ha, thời hạn khai thác mỏ 20 năm. Đây là một mỏ đá có trữ lượng lớn, bao gồm cả đá xây dựng và đá ốp lát có chất lượng khá tốt. Khu mỏ này nằm sát đường liên xã từ Cẩm Sơn đi xã Hoa Sơn và thị trấn Anh Sơn, cách quốc lộ 7A khoảng 4km.
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, trước đây, trong quá trình hoạt động khai thác mỏ, Công ty Hưng Phúc đã chiếm dụng 2 ha đất nông nghiệp của xã Cẩm Sơn để làm khu chế biến khoáng sản, công trình phụ trợ, nhà điều hành mà chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, trước khi tiến hành khai thác đá, doanh nghiệp này cũng chưa hoàn thành việc đăng ký sử dụng đất lần đầu đối với gần 8,2 ha đất được nhà nước cho thuê. Do vậy, tháng 8/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và an toàn lao động tại mỏ đá này. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản hành vi phạm hành chính và yêu cầu Công ty CP Hưng Phúc phải chấm dứt và khắc phục tồn tại nêu trên trong thời gian 30 ngày kể từ ngày lập biên bản làm việc.
 
Tuy nhiên, thời điểm đó những sai phạm, tồn tại mà cơ quan chức năng đã chỉ ra nhưng Công ty Hưng Phúc tỏ ra chậm trễ, thậm chí không chấp hành khắc phục theo yêu cầu.

 
Khu đất xây dựng nhà xưởng từng bị cơ quan chức năng chỉ ra là tự ý lấn chiếm đất nông nghiệp
 
Mới đây, vào tháng 5/2019, Công ty Hưng Phúc cũng chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền là 104,282 triệu đồng; thời gian chậm nộp là 118 ngày. Vì thế, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Nghệ An xử phạt Công ty CP sản xuất Vật liệu Xây dựng Hưng Phúc tại Quyết định số 345/QĐ-XPVPHC, ngày 30/5/2019 với số tiền 12.305.276 đồng.

 
Hiện trạng khu vực mỏ đá của Công ty Hưng Phúc
 
Như vậy có thể thấy là Công ty Hưng Phúc hoạt động khai thác đá tại thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn đã lâu. Mặt khác, những sai phạm, tai tiếng của đơn vị này cũng không hề ít. Điều này khiến cho người dân sống gần mỏ đá nói trên không khỏi bất bình.
 
Tuy nhiên, không hiểu vì sao hoạt động khai thác, chế biến đá của đơn vị nói trên vẫn ngang nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra từ năm này qua năm khác?